Chỉ số này thấp hơn 13,3 điểm (10,1%) so với tháng 12/2022. Tính chung cho năm 2023, chỉ số giá thực phẩm thế giới đạt 124 điểm, giảm 19,7 điểm (giảm 13,7%) so với năm 2022.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 12/2023 đạt trung bình 122,8 điểm, tăng 1,8 điểm (tăng 1,5%) so với tháng 11/2023, nhưng vẫn thấp hơn 24,4 điểm (16,6%) so với tháng 12/2022. Sau khi giảm bốn tháng liên tiếp, giá xuất khẩu lúa mì tháng 12/2023 tăng, do vận chuyển khó khăn vì ảnh hưởng của thời tiết ở một số nhà xuất khẩu lớn và căng thẳng ở Biển Đen trong bối cảnh nhu cầu tăng. Giá ngô thế giới tháng 12/2023 cũng tăng do những lo ngại về vụ trồng trọt thứ hai của Brazil và những hạn chế về vận tải từ Ukraine. Trong số các loại ngũ cốc thô khác, giá lúa mạch thế giới tăng trong khi giá hạt bo bo giảm nhẹ. Chỉ số giá gạo thế giới tháng 12/2023 tăng 1,6% so với tháng 11/2023. Giá tại Ấn Độ tăng để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của một số nước châu Á và giảm sự cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và nguồn cung gạo ở Việt Nam hạn hẹp. Giá gạo thế giới năm 2023 tăng 21%, chủ yếu do lo ngại về tác động của El Niño đối với sản xuất gạo và hậu quả của việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Chỉ số giá ngũ cốc thế giới năm 2023 đứng ở mức 130,9 điểm, giảm 23,8 điểm (15,4%) so với mức kỷ lục năm 2022 do nguồn cung dồi dào.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 12/2023 đạt trung bình 122,4 điểm, giảm 1,7 điểm (1,4%) so với tháng 11/2023 sau mức tăng ngắn hạn trong tháng 11. Trong đó, giá các loại dầu cọ, đậu tương, hạt cải dầu và hạt hướng dương giảm do nhu cầu từ các nhà nhập khẩu lớn giảm, mặc dù sản lượng ở các nước sản xuất hàng đầu giảm. Trong khi đó, giá dầu đậu tương thế giới giảm hơn 3% so với tháng 11 do nhu cầu từ lĩnh vực diesel sinh học chậm lại, cũng như điều kiện thời tiết thuận lợi hơn ở một số khu vực trồng trọt chính ở Brazil. Giá dầu hạt cải và hạt hướng dương thế giới giảm do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu yếu. Chỉ số giá dầu thực vật thế giới trung bình năm 2023 đứng ở mức 126,3 điểm, giảm mạnh (61,5 điểm hay 32,7%) so với năm 2022 và đánh dấu mức thấp nhất trong 3 năm trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu tăng.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 12/2023 đạt trung bình 116,1 điểm, tăng 1,9 điểm (1,6%) so với tháng 11/2023, đánh dấu mức tăng tháng thứ ba liên tiếp và thấp hơn 22,2 điểm (16,1%) so với tháng 11/2023. Trong đó, chỉ số giá bơ, sữa bột nguyên kem (WMP) và pho mát tăng cao. Giá bơ và phô mai thế giới tăng, chủ yếu do xuất khẩu sang Tây Âu tăng trước kỳ nghỉ lễ, trong khi nguồn cung tiếp tục thắt chặt. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu từ vùng Cận Đông tăng cũng hỗ trợ giá phô mai tăng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu toàn cầu mạnh mẽ khiến giá sữa bột nguyên kem tăng, trong khi các thị trường ở châu Âu phần lớn vẫn không hoạt động do nghỉ lễ. Ngược lại, giá sữa gầy thế giới lại giảm nhẹ do nhu cầu hạn chế. Chỉ số giá sữa thế giới trung bình năm 2023 đạt trung bình 118,8 điểm, giảm 23,6 điểm (16,6%) so với năm 2022, do nhu cầu nhập khẩu giảm, trong bối cảnh tồn kho ở các nước nhập khẩu cao.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 12/2023 đạt trung bình 110,4 điểm, giảm 1,1 điểm (giảm 1%) so với tháng 11/2023, thấp hơn 2 điểm (1,8%) so với tháng 12/2022. Trong tháng 12, giá thịt lợn quốc tế giảm do nhu cầu nhập khẩu yếu kéo dài từ châu Á, bất chấp doanh số bán hàng nội địa ở một số nước xuất khẩu tăng. Trong khi đó, giá thịt bò và gia cầm cũng giảm, phản ánh nhu cầu nhập khẩu ở châu Á giảm, cùng với nguồn cung tăng ở các khu vực sản xuất lớn. Ngược lại, giá thịt cừu tăng trở lại sau hai tháng giảm liên tiếp do nhu cầu tăng trước kỳ nghỉ lễ và nguồn cung giảm ở Australia khi những cơn mưa gần đây làm khó khăn trong giết mổ. Nhìn chung trong năm 2023, Chỉ số giá thịt thế giới đạt trung bình 114,6 điểm, giảm 4,2 điểm (3,5%) so với năm 2022, do nguồn cung tăng từ các khu vực xuất khẩu hàng đầu trong bối cảnh nhu cầu của các nước nhập khẩu chủ yếu giảm; trong đó giá thịt bò, thịt gia cầm và thịt cừu giảm, ngược lại giá thịt lợn trung bình tăng.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 12/2023 đạt trung bình 134,6 điểm, giảm 26,8 điểm (16,6%) so với tháng 11/2023, đánh dấu mức thấp nhất trong 9 tháng qua, nhưng vẫn cao hơn 17,5 điểm (14,9%) so với tháng 11/2023. Giá đường thế giới tháng 12/2023 giảm chủ yếu do sản lượng tăng mạnh ở Brazil, do điều kiện thời tiết thuận lợi. Xuất khẩu tăng mạnh từ Brazil, cùng với giá ethanol giảm, đã góp phần khiến giá đường thế giới giảm. Ngoài ra, quyết định của Chính phủ Ấn Độ về việc hạn chế sử dụng mía để sản xuất ethanol trong mùa vụ hiện tại đã gây thêm áp lực giảm giá. Trong cả năm 2023, Chỉ số giá đường thế giới đạt trung bình 145 điểm, tăng 30,6 điểm (26,7%) so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2011, chủ yếu do lo ngại về nguồn cung đường toàn cầu hạn hẹp hơn.
Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO