menu search
Đóng menu
Đóng

FAO: Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 3/2024 tăng sau bảy tháng sụt giảm

10:14 09/04/2024

Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 3/2024 (FFPI) đứng ở mức 118,3 điểm, tăng 1,3 điểm (tăng 1,1%) so với tháng 2/2024, do giá dầu thực vật, sản phẩm sữa và thịt tăng nhẹ, trong khi giá đường và ngũ cốc giảm. 
Chỉ số thực phẩm tháng 3/2024 mặc dù tăng sau xu hướng giảm kéo dài 7 tháng, nhưng vẫn giảm 9,9 điểm (giảm 7,7%) so với tháng 3/2023.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 3/2024 đạt trung bình 110,8 điểm, giảm 3 điểm (giảm 2,6%) so với tháng 2/2024 và giảm 27,7 điểm (giảm 20%) so với tháng 3/2023. Giá xuất khẩu lúa mì thế giới tháng 3/2024 giảm tháng thứ ba liên tiếp, chủ yếu do cạnh tranh xuất khẩu mạnh mẽ giữa Liên minh châu Âu, Liên bang Nga và Mỹ. Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, việc Trung Quốc hủy mua lúa mì từ Australia và Mỹ đã gây áp lực giảm giá lên thị trường, trong khi sản lượng vụ thu hoạch năm 2024 ở Liên bang Nga và Mỹ tăng cũng góp phần khiến giá giảm. Ngược lại, giá ngô xuất khẩu tháng 3/2024 tăng nhẹ so với tháng 2/2024 do nhu cầu mua ngày càng tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc, trong bối cảnh khó khăn về vận chuyển ở Ukraine và các nơi khác, đã hỗ trợ phần nào làm tăng giá ngô, nhưng lại giá cũng bị hạn chế đà tăng bởi áp lực mùa vụ đang thu hoạch ở Achentina và Brazil. Đối với các loại ngũ cốc thô khác như giá lúa mạch giảm trong khi giá hạt bo bo trong tháng 3/2024 tăng. Chỉ số giá gạo thế giới tháng 3/2024 giảm 1,7%, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 3/2024 đạt trung bình 130,6 điểm, tăng 9,7 điểm (tăng 8%) so với tháng 2/2024 và đạt mức cao nhất trong một năm do giá dầu cọ, đậu tương, hướng dương và hạt cải dầu tăng cao. Giá dầu cọ thế giới tháng 3/2024 tiếp tục tăng do sản lượng giảm ở các nước sản xuất hàng đầu trong khi nhu cầu ở Đông Nam Á tăng. Trong khi đó, giá dầu đậu tương thế giới phục hồi từ mức thấp trong nhiều năm, chủ yếu do nhu cầu từ lĩnh vực nhiên liệu sinh học tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là ở Mỹ và Brazil. Tương tự, giá dầu hướng dương và hạt cải phục hồi trong tháng 3, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng cao. Hơn nữa, giá dầu thô tăng cao cũng góp phần làm tăng giá dầu thực vật.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 3/2024 đạt trung bình 124,2 điểm, tăng 3,5 điểm (tăng 2,9%) so với tháng 2/2024, đánh dấu mức tăng tháng thứ sáu liên tiếp, nhưng vẫn thấp hơn 11,1 điểm (giảm 8,2%) so với tháng 3/2023. Trong tháng 3/2024, giá phô mai thế giới tăng mạnh nhất do nhu cầu nhập khẩu từ châu Á ổn định, doanh số bán hàng nội địa ở Tây Âu tăng và sản lượng ở Châu Đại Dương giảm. Bất chấp nhu cầu châu Á yếu hơn, giá bơ thế giới tháng 3/2024 vẫn tăng, chủ yếu do nhu cầu ổn định và dự trữ ở châu Âu ít hơn. Ngược lại, sau 5 tháng tăng liên tiếp, giá sữa bột nguyên kem quốc tế lại giảm do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu yếu đi bất chấp sản lượng giảm ở Châu Đại Dương. Giá sữa bột gầy cũng giảm do thị trường vẫn trầm lắng và nhu cầu giao ngay giảm.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 3/2024 đạt trung bình 113 điểm, tăng 1,9 điểm (tăng 1,7%) so với tháng 2/2024, đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ hai liên tiếp, chỉ giảm 1,7 điểm (giảm 1,5%) so với tháng 3/2023. Giá thịt gia cầm thế giới tháng 3/2024 tăng, do nhu cầu nhập khẩu tiếp tục ổn định từ các nước nhập khẩu hàng đầu, mặc dù nguồn cung dồi dào nhờ dịch cúm gia cầm ở các nước sản xuất lớn giảm. Giá thịt lợn cũng tăng, chủ yếu do nhu cầu nội địa tăng trước dịp lễ Phục sinh, bất chấp nguồn cung tăng, đặc biệt ở Tây Âu. Giá thịt bò thế giới tháng 3/2024 tiếp tục tăng, chủ yếu do sức mua của các nước nhập khẩu hàng đầu tăng. Ngược lại, giá thịt cừu quốc tế giảm tháng thứ hai liên tiếp, chủ yếu do nguồn cung tăng vượt nhu cầu, đặc biệt là từ Australia.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 3/2024 đạt trung bình 133,1 điểm, giảm 7,6 điểm (giảm 5,4%) so với tháng 2/2024 sau hai tháng tăng liên tiếp, nhưng vẫn tăng 6,1 điểm (tăng 4,8%) so với tháng 3/2023 chủ yếu do dự báo sản lượng đường niên vụ 2023/24 ở Ấn Độ tăng và tốc độ thu hoạch đường ở Thái Lan được cải thiện vào giai đoạn cuối của mùa vụ. Lượng xuất khẩu lớn từ Brazil cũng gây áp lực lên giá đường thế giới. Tuy nhiên, những lo ngại dai dẳng về vụ mùa ở Brazil, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài, tiếp tục làm trầm trọng thêm xu hướng mùa vụ và hạn chế đà giảm giá. Tương tự, giá dầu thô quốc tế tăng cao cũng góp phần kiềm chế đà giảm giá đường thế giới.

 

Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO