menu search
Đóng menu
Đóng

FAO: Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 4/2025 tăng

10:58 16/05/2025

Theo Báo cáo của Tổ chức FAO, Chỉ số giá thực phẩm thế giới (FFPI) tháng 4/2025 đạt trung bình 128,3 điểm, tăng 1,2 điểm (tăng 1%) so với tháng 3/2025. 
Trong đó, chỉ số giá ngũ cốc, sữa và thịt tăng và chỉ số giá đường và dầu thực vật giảm. Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 4/2025 tăng 9 điểm (tăng 7,6%) so với tháng 4/2024 nhưng vẫn giảm 31,9 điểm (giảm 19,9%) so với mức đỉnh đạt được vào tháng 3/2022.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 4/2025 đạt trung bình 111 điểm, tăng 1,3 điểm (tăng 1,2 %) so với tháng 3/2025 nhưng vẫn thấp hơn 0,6 điểm (0,5%) so với tháng 4/2024. Trong đó, giá hầy hết các loại ngũ cốc chính đều tăng. Giá lúa mì toàn cầu tăng nhẹ, do nguồn cung xuất khẩu thắt chặt tại Liên bang Nga, tốc độ xuất khẩu ổn định từ một số nhà xuất khẩu lớn và biến động tiền tệ liên quan đến đồng đô la Mỹ yếu hơn, đặc biệt là so với đồng euro. Tuy nhiên, diễn biến chính sách thương mại và bất ổn kinh tế vĩ mô đã hạn chế mức tăng. Giá ngô quốc tế cũng tăng, chủ yếu là do mức tồn kho tại Mỹ giảm và biến động tiền tệ. Việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ - bao gồm miễn thuế cho Mexico - nước nhập khẩu ngô hàng đầu của Mỹ và tạm dừng trong 90 ngày đối với thuế nhập khẩu trên 10% đối với một số đối tác thương mại khác - đã góp phần làm tăng giá. Trong số các loại ngũ cốc thô khác, giá hạt bo bo và lúa mạch thế giới cũng tăng. Trong khi đó, Chỉ số giá gạo thế giới tháng 4/2025 tăng 0,8% do nhu cầu đối với các loại gạo thơm tăng và nguồn cung gạo mới thu hoạch tại Việt Nam giảm do vụ thu hoạch chính đã bước vào giai đoạn cuối.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 4/2025 đạt trung bình 158 điểm, giảm 3,7 điểm (giảm 2,3%) so với tháng 3/2025 nhưng vẫn cao hơn 20,7% so với tháng 4/2024. Sự sụt giảm chủ yếu là do giá dầu cọ giảm, bù đắp cho giá dầu đậu tương và dầu hạt cải tăng, trong khi giá dầu hướng dương toàn cầu vẫn ổn định. Sau hai tháng tăng, giá dầu cọ quốc tế đã giảm mạnh vào tháng 4/2025, chủ yếu là do nguồn cung xuất khẩu toàn cầu phục hồi dần, sản lượng mùa vụ tăng cao ở các nước sản xuất chính ở Đông Nam Á. Ngược lại, giá dầu đậu tương và dầu hạt cải thế giới tiếp tục tăng, do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu liên tục vững chắc và nguồn cung thắt chặt khi mùa vụ 2024/25 sắp kết thúc. Trong khi đó, giá dầu hướng dương quốc tế trong tháng 4/2025 biến động nhẹ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tháng 4/2024, trong bối cảnh nguồn cung từ khu vực Biển Đen đang giảm.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 4/2025 đạt trung bình 121,6 điểm, tăng 3,7 điểm (3,2%) so với tháng 3/2025 và cao hơn 5 điểm (4,3%) so với tháng 4/2024. Giá thịt tăng ở tất cả các loại, trong đó giá thịt lợn tăng mạnh nhất do giá ở Liên minh châu Âu tăng do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu mạnh hơn, sau khi Đức được công nhận không có bệnh lở mồm long móng và các hạn chế liên quan được dỡ bỏ bởi các nhà nhập khẩu, được thúc đẩy thêm bởi nhu cầu tăng do kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Giá thịt bò cũng tăng, đặc biệt là ở Australia và Brazil, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu ổn định và nguồn cung toàn cầu hạn chế. Giá thịt cừu cũng tăng vọt, phản ánh nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ các thị trường chính. Trong khi đó, giá thịt gia cầm tăng nhẹ, đặc biệt là ở Brazil, nơi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường tăng mạnh trong khi nguồn cung xuất khẩu hạn hẹp đã tạo thêm áp lực tăng giá.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 4/2025 đạt 152,1 điểm, tăng trung bình 3,5 điểm (2,4%) so với tháng 3/2025 và tăng tới 28,4 điểm (22,9%) so với tháng 4/2024. Giá bơ quốc tế tăng tháng thứ ba liên tiếp lên mức cao kỷ lục mới, với mức tăng 2,9% so với tháng 3/2025, chủ yếu là do giá ở châu Âu tăng do lượng hàng tồn kho giảm và nhu cầu tăng mạnh, mặc dù sản lượng sữa tăng. Giá sữa bột quốc tế (SMP và WMP) cũng tăng lần lượt là 1,6% và 2,9%, bởi nhu cầu nội địa tại Australia ổn định và sự chuyển hướng quan tâm xuất khẩu từ châu Âu - nơi đồng euro mạnh hơn làm giảm khả năng cạnh tranh - sang châu Đại Dương, nơi sản lượng sữa mùa vụ giảm đã thắt chặt tình trạng thiếu hụt tại chỗ. Trong khi đó, giá pho mát quốc tế tháng 4/2025 tăng 2,3% so với tháng 3/2025, do nhu cầu xuất khẩu mạnh trong bối cảnh nguồn cung ở châu Đại Dương thắt chặt.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 4/2025 đạt trung bình 112,8 điểm, giảm 4,1 điểm (3,5%) so với tháng 3/2025, đánh dấu mức giảm tháng thứ hai liên tiếp và thấp hơn 13,8 điểm (10,9%) so với tháng 4/2024. Giá đường thế giới giảm chủ yếu là do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn và tác động tiềm tàng của nó đến nhu cầu từ các ngành đồ uống và chế biến thực phẩm, chiếm phần lớn lượng tiêu thụ đường toàn cầu. Sản lượng đường ở Brazil trong nửa cuối tháng 3/2025 tăng đã tạo thêm áp lực giảm giá. Hơn nữa, sự mất giá của đồng real Brazil so với đô la Mỹ và giá dầu thô quốc tế giảm đã góp phần làm giảm giá đường thế giới.

Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO