Do chỉ số giá ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa tăng nhẹ bù đắp cho sự sụt giảm của chỉ số giá ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa, đường và dầu thực vật, trong khi chỉ số giá thịt hầu như không thay đổi. Mặc dù tháng 5/2024 đã ghi nhận mức tăng tháng thứ ba liên tiếp, nhưng FFPI vẫn giảm 3,4% so với tháng 5/2023 và giảm 24,9% so với mức đỉnh 160,2 điểm đạt được vào tháng 3/2022.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 5/2024 đạt trung bình 118,7 điểm, tăng 7,1 điểm (tăng 6,3%) so với tháng 4/2024, nhưng vẫn thấp hơn 10,6 điểm (giảm 8,2%) so với tháng 5/2023. Giá xuất khẩu toàn cầu của tất cả các loại ngũ cốc chính đều tăng so với tháng 4/2024, trong đó giá lúa mì tăng nhiều nhất. Giá tăng mạnh phần lớn là do lo ngại ngày càng tăng về thời tiết không thuận lợi cho vụ thu hoạch năm 2024, có thể hạn chế năng suất ở một số khu vực sản xuất chính của một số nước xuất khẩu lớn, bao gồm các khu vực ở Châu Âu, Bắc Mỹ và khu vực Biển Đen. Ngoài ra, khó khăn trong vận chuyển ở Biển Đen đã gây thêm áp lực tăng giá. Giá xuất khẩu ngô tháng 5/2024 cũng tăng, do lo ngại về sản xuất ở cả Achentina (do thiệt hại mùa màng do sự lây lan của bệnh Spiroplasma) và Brazil (do thời tiết không thuận lợi), cùng với hoạt động hạn chế bán ra của nông dân ở Ukraine trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt và giá ngô tăng mạnh. Nhu cầu toàn cầu tăng cùng với hiệu ứng lan tỏa từ thị trường lúa mì cũng ảnh hưởng đến giá ngô. Đối với các loại ngũ cốc thô khác, giá lúa mạch và hạt bo bo trên thế giới cũng tăng. Chỉ số giá gạo toàn cầu tăng 1,3%, do giá gạo Indica tăng, và xuất khẩu sang Indonesia và Brazil tăng trong khi nguồn cung giảm.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 5/2024 đạt trung bình 127,8 điểm, giảm 3,1 điểm (giảm 2,4%) so với tháng 4/2024, nhưng vẫn cao hơn 7,7% so với tháng 5/2023, chủ yếu do giá dầu cọ giảm, bù đắp cho giá dầu đậu tương, hạt cải dầu và dầu hướng dương tăng cao. Giá dầu cọ quốc tế giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5, do sản lượng tại các nước sản xuất lớn ở Đông Nam Á tăng trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu toàn cầu yếu kéo dài. Ngược lại, giá dầu đậu tương thế giới phục hồi trong tháng 5, chủ yếu do nhu cầu ngày càng tăng từ lĩnh vực nhiên liệu sinh học, đặc biệt là ở Brazil. Trong khi đó, giá dầu hướng dương và dầu hạt cải cũng tăng, chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu giảm ở khu vực Biển Đen và khả năng nguồn cung thắt chặt trong niên vụ 2024/25 sắp tới.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 5/2024 đạt trung bình 126,0 điểm, tăng 2,3 điểm (tăng 1,8%) so với tháng 4/2024, và tăng 4,3 điểm (tăng 3,5%) so với tháng 5/2023. Giá tất cả các sản phẩm sữa đều tăng. Nhu cầu tăng từ lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ thực phẩm trước kỳ nghỉ hè và dự báo sản lượng sữa có thể giảm mạnh ở Tây Âu, cùng với sản lượng sữa giảm ở Châu Đại Dương, đã góp phần làm tăng giá sữa. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu tăng, đặc biệt từ một số nước ở Cận Đông và Bắc Phi, đã góp phần đẩy giá sữa tăng.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 5/2024 đạt trung bình 116,6 điểm, giảm nhẹ (giảm 0,2 điểm hay 0,2%) so với tháng 4/2024 và giảm 1,5 điểm (giảm 1,3%) so với tháng 5/2023. Giá thịt gia cầm và thịt bò giảm, trong khi giá thịt lợn và thịt cừu tăng. Giá thịt gia cầm thế giới giảm do nguồn cung sẵn có để xuất khẩu tăng trong bối cảnh nhu cầu nội địa thấp hơn ở một số nước sản xuất lớn, trong khi giá thịt bò giảm nhẹ là do nhu cầu nhập khẩu chậm chạp cùng với nguồn cung có thể xuất khẩu dồi dào từ Châu Đại Dương. Ngược lại, giá thịt lợn thế giới tăng so với tháng trước do nhu cầu tăng và nguồn cung thắt chặt kéo dài, chủ yếu ở Tây Âu. Trong khi đó, giá thịt cừu tăng do nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu tăng, bất chấp nguồn cung xuất khẩu dồi dào ở Châu Đại Dương.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 5/2024 đạt trung bình 117,1 điểm, giảm 9,5 điểm (giảm 7,5%) so với tháng 4/2024. Đây là mức giảm tháng thứ ba liên tiếp, và giảm 40,1 điểm (giảm 25,5%) so với tháng 5/2023 và đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023. Sự sụt giảm của giá đường quốc tế trong tháng 5 chủ yếu là do nguồn cung tăng bắt đầu mùa thu hoạch mới ở Brazil, được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết thuận lợi góp phần cải thiện triển vọng nguồn cung toàn cầu. Nguồn cung xuất khẩu từ Brazil tăng và giá dầu thô quốc tế giảm đã gây thêm áp lực giảm giá đường.
Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO