Chỉ số giá thực phẩm tháng 9/2023 giảm 14,6 điểm (giảm 10,7%) so với tháng 9/2022 và giảm 38,3 điểm (giảm 24%) so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 3/2022.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 9/2023 đạt trung bình 126,3 điểm, tăng 1,3 điểm (tăng 1%) so với tháng 8 nhưng giảm 21,6 điểm (giảm 14,6%) so với tháng 9/2022. Giá tháng 9/2023 tăng do giá giá ngũ cốc thô tăng 5,3%. Sau bảy tháng giảm liên tiếp, giá ngô thế giới đã tăng 7% trong tháng 9, do nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu tăng mạnh đối với nguồn cung của Brazil, nguồn cung ở Achentina giảm và giá cước vận tải tăng do mực nước thấp trên sông Mississippi - Mỹ. Trong số các loại ngũ cốc thô khác, giá hạt bo bo cũng tăng cùng xu hướng với giá ngô, trong khi giá lúa mạch về cơ bản vẫn ổn định. Ngược lại, giá lúa mì tiếp tục giảm 1,6% so với tháng 8/2023 do nguồn cung dồi dào ở Liên bang Nga. Chỉ số giá gạo thế giới tháng 9/2023 giảm nhẹ 0,5% so với tháng 8/2023, nhưng vẫn tăng 27,8% so với tháng 9/2022. Sự sụt giảm nhẹ trong tháng 9 là do nhu cầu nhập khẩu nhìn chung thấp, mặc dù giá không giảm nhiều bởi những bất ổn kéo dài liên quan đến hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và nguồn cung ngày càng ít trước vụ thu hoạch vụ mới ở châu Á.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 9/2023 đạt trung bình 120,9 điểm, giảm 5 điểm (giảm 3,9%) so với tháng 8/2023, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp, do giá các loại dầu cọ, hướng dương, đậu tương và hạt cải dầu giảm. Giá dầu cọ thế giới tiếp tục giảm, chủ yếu do sản lượng tăng ở các nước sản xuất lớn ở Đông Nam Á. Trong khi đó, giá dầu hướng dương trên thế giới giảm rõ rệt, do sản lượng thu hoạch hạt hướng dương ở khu vực Biển Đen tăng. Giá dầu hạt cải giảm do nguồn cung xuất khẩu toàn cầu dồi dào, trong khi giá dầu đậu tương cũng giảm bất chấp triển vọng nhu cầu vững chắc từ ngành dầu diesel sinh học.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 9/2023 đạt trung bình 108,6 điểm, giảm 2,6 điểm (giảm 2,3%) so với tháng 8/2023, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ chín liên tiếp và giảm tới 34,1 điểm (giảm 23,9%) so với tháng 9/2022. Giá tất cả các sản phẩm sữa tháng 9/2023 đều giảm, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu giao ngay và ngắn hạn yếu trong bối cảnh tồn kho dồi dào ở các khu vực sản xuất lớn, mặc dù nhu cầu tăng cao vào cuối tháng đối với một số sản phẩm sữa ở các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, nguồn cung cho xuất khẩu ở New Zealand tăng, nhu cầu nội địa ở Liên minh châu Âu hạn chế và tác động của đồng Euro yếu hơn so với đồng đô la Mỹ làm giảm giá sữa.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 9/2023 đạt trung bình 114,2 điểm, giảm 1,2 điểm (giảm 1%) so với tháng 8, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ ba liên tiếp và giảm 6,1 điểm (giảm 5%) so với tháng 9/2022. Giá thịt lợn giảm do nhu cầu nhập khẩu từ các nước nhập khẩu hàng đầu giảm, đặc biệt là Trung Quốc và nguồn cung xuất khẩu toàn cầu dồi dào. Giá thịt gia cầm thế giới cũng giảm, do nguồn cung dồi dào tại các nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đặc biệt là Brazil. Giá thịt cừu giảm tháng thứ 5 liên tiếp, mặc dù với tốc độ chậm hơn, do nguồn cung từ Australia tăng, bất chấp nhu cầu ổn định từ Trung Quốc và Trung Đông. Ngược lại, nhu cầu nhập khẩu thịt bò tăng mạnh, đặc biệt là ở Mỹ, đã khiến giá thịt bò thế giới tăng trở lại, bất chấp nguồn cung xuất khẩu từ Brazil và Australia tăng.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 9/2023 đạt trung bình 162,7 điểm, tăng 14,5 điểm (tăng 9,8%) so với tháng 8, đánh dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2010, chủ yếu xuất phát từ mối lo ngại ngày càng tăng về nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn trong mùa vụ 2023/24 sắp tới. Dự báo sản lượng giảm ở các nước sản xuất đường chủ chốt là Thái Lan và Ấn Độ, do điều kiện thời tiết khô hơn bình thường liên quan đến hiện tượng El Niño. Giá dầu thô thế giới tăng cao cũng góp phần đẩy giá đường thế giới tăng. Tuy nhiên, sản lượng vụ mùa đang được thu hoạch ở Brazil tăng, trong bối cảnh điều kiện thời tiết thuận lợi, kết hợp với sự suy yếu của đồng Real Brazil so với đồng đô la Mỹ, đã hạn chế mức tăng giá đường thế giới so với tháng 8/2023.
Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO