Dự báo sẽ cán đích 5,5 tỷ USD
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả tháng 11/2023 dự kiến đạt hơn 375 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 10 (hơn 608 triệu USD), nhưng tăng 22,5% so với tháng 11/2022 (hơn 306 triệu USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, sầu riêng là ngành hàng xuất khẩu đóng góp sức tăng trưởng lớn nhất cho nhóm hàng rau quả, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là mít, dưa hấu, bưởi, nhãn đều có mức tăng trưởng 50-200% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, xuất khẩu rau quả về đích sớm hơn so với mục tiêu đề ra và cũng là lần đầu tiên rau quả dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê để lập kỉ lục mới trong năm 2023.
Về thị trường, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường truyền thống cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt như: Mỹ đạt trên 212 triệu USD, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái; Hàn Quốc đạt 187 triệu USD, tăng 25%; Nhật Bản là 151 triệu USD, tăng 7%...
Phân tích các nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả có mức tăng đột biến trong năm 2023, trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, việc Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương; cùng với đó là các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại…, đã giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kỷ lục hơn 5 tỷ USD.
Ngoài ra, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam nên khi nước này mở lại một số cửa khẩu từ đầu năm nay, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân chủ lực thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng.
“Bên cạnh đó, việc người nông dân ngày càng biết cách trồng theo hướng nông nghiệp tốt, VietGAP, chất lượng tăng, số lượng tăng, nên Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này. Hiện sầu riêng và mít là 2 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm.
Ngoài mít và sầu riêng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, bưởi cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả. Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu trái bưởi sang các thị trường đã đạt khoảng 30 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, do cuối năm là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm, tiêu dùng nên tình hình xuất khẩu ngành hàng này được dự báo có thể tiếp tục tăng trưởng hơn nữa. Dự kiến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ dễ dàng cán đích 5,5 tỷ USD.
Liên tiếp phá kỉ lục
Bên cạnh ngành hàng rau quả, gạo cũng là ngành hàng liên tiếp lập kỉ lục mới, khi chỉ trong 11 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu đã vượt hơn 4 tỷ USD. Đây là mức cao nhất sau 34 năm nước ta quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Hiện gạo Việt đã vượt qua gạo Thái, đang có giá bán cao nhất. Xuất khẩu gạo không chỉ ghi nhận mức tăng trưởng về lượng mà còn tăng cả về giá trị và giá bán.
Cụ thể, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong nửa đầu tháng 11/2023, cả nước đã xuất khẩu 332.214 tấn gạo, trị giá đạt 219 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/11/2023, cả nước đã xuất khẩu được 7,37 triệu tấn gạo, mang về 4,15 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu gạo đã vượt xa năm 2022 (7,1 triệu tấn, trị giá đạt 3,45 tỷ USD). Về thị trường xuất khẩu gạo, đứng đầu là 2 thị trường ASEAN và Trung Quốc. Trong đó, tại ASEAN, gạo được xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines, Indonesia, Singapore. Số liệu cập nhật 10 tháng, xuất sang ASEAN đạt 4,2 triệu tấn, tăng 25,7%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 900.000 tấn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Với đà xuất khẩu như hiện nay, dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu xấp xỉ 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,5 tỷ USD.
Theo dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Nhất là khi mới đây, Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong năm tới. Điều này này có thể khiến giá gạo tiếp tục giữ ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, do Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ có thể tác động lớn tới thị trường gạo trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau, theo đó, dự báo năm 2024 vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu tăng từ nhiều thị trường lớn khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường của thị trường gạo toàn cầu.
Tuy xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá nhưng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để xuất khẩu gạo bền vững, việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo chưa nhiều, trong khi đây là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi ngành hàng. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định từ phía thị trường nhập khẩu, bởi ngày càng nhiều nước áp dụng các hàng rào kỹ thuật.
Nguồn:Haiquanonline