Động lực đằng sau đà tăng của giá heo hơi
Trong quý I, giá heo hơi ghi nhận đà tăng mạnh. Giữa tháng 3, giá heo hơi có nơi vượt mốc 80.000 đồng/kg - cao nhất trong vòng hơn 3 năm. Tuy nhiên mức giá này chỉ duy trì trong thời gian ngắn.
Hiện tại, tính đến ngày 6/5, giá heo hơi trung bình cả nước khoảng 70.000 đồng/kg. Đây cũng được xem là mức giá cao hơn nhiều so với trung bình giai đoạn 2022 - 2024 và người chăn nuôi cũng đã có lãi, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có chuỗi khép kín.

Nguồn: Wichart, Anovafeed (H.Mĩ tổng hợp)
Chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC), cho biết giá vốn nuôi heo của công ty thấp nhất 46.000 đồng/kg (đối với con giống 3 máu) và cao nhất 52.000 đồng/kg. Giá vốn bình quân là khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Còn với CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF), theo chia sẻ từ Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, giá thành nuôi heo hiện ở quanh mức 45.000 đồng/kg. Với giá bán ở mức 63.000-64.000 đồng/kg, ông Bá cho biết “Một heo đem về lợi nhuận vào khoảng 1,5 triệu đồng – là mức rất tốt”.
Còn với người chăn nuôi nhỏ lẻ, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết chi phí nuôi cao hơn, khoảng 60.000 đồng/kg do phải mua con giống với giá cao.
Trên thực tế, đà tăng giá heo hơi thời gian qua đã giúp nhiều doanh nghiệp chăn nuôi hưởng trái ngọt. Theo đó, Dabaco báo lãi ròng kỷ lục 508 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ 2024. Nông nghiệp BAF báo lãi tăng 11% lên 132 tỷ đồng.
Đối với Hoà Phát, mảng nông nghiệp trong quý I ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 407 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Hiện mảng nông nghiệp của Hoà Phát gồm chăn nuôi heo, bò, gia cầm và thức ăn chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, giá thịt heo tại Việt Nam tăng trong thời gian gần đây là hệ quả của nhiều yếu tố liên quan đến cung và cầu. Trong đó, dịch tả heo Châu Phi vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với chăn nuôi heo tại Việt Nam.
Trong năm 2024, cả nước xảy ra 1.699 ổ dịch tả heo Châu Phi, tăng hơn 75,3% về số ổ dịch và tiêu thủy khoảng 92.707 con heo, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, số ổ dịch lở mồm long móng tăng gần 2,5 lần so với 2023. Trong quý I/2025, cả nước có 75 ổ dịch dịch tả heo Châu Phi tại 21 tỉnh, thành phố.
“Điều đáng nói, dịch bệnh dù đã giảm mức động nghiêm trọng nhờ vắc xin và biện pháp an toàn sinh học nhưng lại luôn dai dẳng, âm ỉ gây tâm lý lo ngại khi tái đàn dẫn đến giảm số lượng đàn heo, từ đó hạn chế nguồn cung cấp thịt heo và thúc đẩy giá tăng cao”, cơ quan này cho biết.
Một yếu tố thiên tai khác tác động đến nguồn cung thịt heo heo là cơn bão số 3 (tháng 9/2024) đã càn quét đàn vật nuôi ở nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều đàn heo nái sinh sản, gây hiện tượng thiếu hụt con giống thời điểm đó và góp phần giảm đàn heo thịt xuất chuồng đến những tháng đầu năm 2025.
Ngoài ra, từ ngày 1/1, các cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các quy định về điều kiện chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi. Vì vậy, nhiều địa phương trong cả nước đã tổng rà soát và lên kế hoạch di dời hoặc dừng hoạt động các trang trại chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi. Điều này dẫn đến, nhiều trang trại chăn nuôi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc giảm quy mô chăn nuôi dẫn đến thiếu hụt cục bộ tại một số thời điểm.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo ngày càng tăng. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về tiêu thụ thịt heo. Bước sang năm 2024, thứ hạng này đã tăng 2 bậc và xếp thứ 4 thế giới. Ước tính tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người của người Việt Nam năm 2024 xấp xỉ 37 kg thịt heo xẻ/người/năm, tăng hơn 3 kg so với năm 2023.
Doanh nghiệp chuẩn bị gì để đón sóng tăng mới của giá heo?
Chủ tịch Dabaco kỳ vọng giá heo hơi sẽ còn giữ ở mức cao và còn còn kéo dài đến 2026. Nguyên nhân là hiện Việt Nam đang thiếu đàn nái. Nhu cầu bình thường của ngành chăn nuôi là cần 2,4 triệu nái/con nhưng vừa rồi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chết nhiều. Ông ước tính còn số đàn nái hiện tại là còn 1,8 triệu con nên hiện tại thiếu.
Trong khi đó, lượng con giống nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua giảm dần. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi và Thú Y, năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 4.088 nghìn con heo giống, mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và giảm 25% so với năm 2023.

Nguồn: Cục Chăn nuôi và Thú y (H.Mĩ tổng hợp)
CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan, Mã: VSN) mới đây cũng dự báo giá heo hơi tiếp tục giữ ở mức cao do xu hướng giảm đàn ở một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại ở một số khu vực trong thời gian qua khiến nguồn cung heo hơi thiếu hụt.
Tuy nhiên, đây là tin không vui đối với doanh nghiệp này bởi ngành nghề chính của Vissan là chế biến thực phẩm (xúc xích, giò chả, thịt nguội...), do đó giá heo hơi tăng làm giá vốn sản phẩm tăng lên.
Trong báo cáo của CTCP Chứng khoán An Bình, nhóm phân tích cho rằng giá heo có thể sẽ vẫn giữ ở mức cao cho đến giữa năm 2025 do nguồn cung vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi khiến việc tái đàn vẫn chưa thể diễn ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng sẽ kích cầu tiêu thụ từ phía người tiêu dùng.
Trong khi đó, công ty chứng khoán KBSV cho rằng nguồn cung khó tăng mạnh trong quý II do sự khan hiếm của heo giống khiến giá đã tăng gấp đôi so với 2024, đạt khoảng 2,9 – 3 triệu/con (chiếm 40% giá thành nuôi), trong khi giá heo thịt biến động mạnh khiến nông hộ ngần ngại tái đàn.

Nguồn: Cục Chăn nuôi và Thú y, KBSV (H.Mĩ tổng hợp)
KBSV cho rằng sẽ cần thêm 6-12 tháng để phục hồi nguồn cung heo giống và các doanh nghiệp lớn đầu tư vào trang trại hạt nhân để cung cấp nguồn heo giống ổn định sẽ tiếp tục hưởng lợi khi mặt bằn giá heo neo cao.
Mặt khác, luật chăn nuôi mới sẽ quy định chặt chẽ hơn về mật độ nuôi tại từng tỉnh thành, khiến chi phí gia tăng, đặc biệt tại hộ nhỏ lẻ với thị phần nuôi heo thịt giảm mạnh.
“Chúng tôi giả định giá heo hơi sẽ duy trì trung bình quanh mức 68.000 đồng/kg tại miền Bắc trong 2025, với sự cải thiện về nhu cầu từ cuối quý II khi mùa điểm cao điểm du lịch bắt đầu khiến tăng nhu cầu cho các sản phẩm thịt heo”, KBSV nhận định.
Trước khi dịch tả heo Châu Phi xảy ra, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi và Thú y, tỷ lệ này đã giảm mạnh trong 5 năm qua do dịch bệnh và các quy định mới. Hiện nay sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 30%; sản lượng heo sản xuất trong hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại chiếm 70%.
Các doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang “lên dây cót” để chuẩn bị cho việc mở rộng quy mô đàn, phủ lấp khoảng trống mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ lại do không đáp ứng được Luật Chăn nuôi mới và chi phi nuôi tăng cao.
Năm ngoái, BAF tận dụng xu hướng phục hồi và nhu cầu gia tăng, BAF Việt Nam mở rộng tổng đàn lên hơn 450.000 con, tăng 40,6% so với năm 2023. Công ty đồng thời đẩy mạnh thuê, mua lại các trang trại có sẵn hoặc đang hoàn tất pháp lý để mở rộng mạng lưới chăn nuôi.
Năm 2025, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh, công ty đang đẩy mạnh mở rộng quỹ đất chăn nuôi trên phạm vi toàn quốc, từ Bắc vào Nam.
Theo ban điều hành, đây là một bước đi chiến lược, không chỉ giúp duy trì sự ổn định và mở rộng quy mô sản xuất, mà còn tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thịt heo giàu tiềm năng.
Bà Bùi Hương Giang, CEO của công ty cho biết tổng số trang trại đang vận hành là 40, chưa bao gồm những trang trại gia công khác. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt sản lượng bán ra 10 triệu con, do đó không tập trung vào số lượng trang trại mà hướng đến hiệu quả sản xuất.
Hiện công ty đang làm thủ tục xin chủ trương xây dựng trang trại theo mô hình nhà tầng tại Tây Ninh. Một dự án nhà tầng có thể mang lại sản lượng khoảng 1,6 triệu heo thịt/năm, tương đương nhiều dự án nhỏ lẻ cộng lại. Trong khi đó, các dự án nhỏ thường khiến tiến độ chậm lại do vướng mắc về thủ tục, pháp lý, có thể mất đến 2 năm.
Với Dabaco, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch xây dựng một loạt khu chăn nuôi công nghệ cao. Theo đó, trong giai đoạn 2024 - 2028, công ty sẽ xây dựng 5 khu chăn nuôi với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.841 tỷ đồng. Trong đó, khu chăn nuôi công nghệ cao Ngọc Lặc, Thanh Hoá có thời gian hoàn thành dự kiến sớm nhất là 2026.

Một số trang trại dự kiến xây dựng của Dabaco (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ Dabaco 2025)
Đối với doanh nghiệp chế biến như Vissan, việc chủ động một phần nguồn cung thịt heo được xem là một trong những giải pháp ứng phó với kịch bản giá tăng trong năm nay.
Theo đó, công ty đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng Feed – Farm – Food, hướng đến đáp ứng 20-30% nhu cầu của công ty trong dài hạn thông qua đẩy nhanh công tác đầu tư dự án trại heo mới Bình Dương (Tổng mức đầu tư 229,7 tỷ đồng với quy mô tổng đàn có mặt thường xuyên khoảng 32.000 con, trong đó có 2.400 nái).
Đồng thời, công ty tiếp tục xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định, kiểm soát chất lượng và giá cả cạnh tranh trong dài hạn.
Công ty tiếp tục rà soát toàn bộ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, nghiên cứu thay thế nguyên phụ liệu có giá cao hoặc khả năng cung ứng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan tác động đến giá thành sản phẩm.
Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết các doanh nghiệp chăn nuôi trang trại quy mô lớn, với lợi thế về vốn, công nghệ và nhân lực, có thể thích ứng nhanh hơn và dẫn đầu xu hướng đổi mới công nghệ của ngành, từ đó nâng cao vai trò của mình trong hệ sinh thái ngành.
Việc đổi mới công nghệ đẩy nhanh sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của ngành chăn nuôi heo.
Trong khi các doanh nghiệp lớn có thể kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm và thị phần nhờ lợi thế về quy mô, lợi thế về công nghệ và lợi thế thương hiệu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và thị trường không đủ sức cạnh tranh.
Nguồn:doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn