Nhiều người lo ngại rằng vào cuối năm, giá thịt lợn có thể giảm từ 5–10%, điều này có nguy cơ khiến một số người chăn nuôi phải rời bỏ thị trường. Các công ty lớn đang tạm ngừng triển khai các dự án mới.
Trong năm 2021, giá trung bình thịt lợn tăng 24,8% lên 124,8 rúp/kg. Ông Yury Kovalev, Tổng giám đốc NSS, cho biết yếu tố chính dẫn đến khả năng giảm giá là sản lượng tăng, nguồn cung dư thừa.Theo số liệu sơ bộ, trong sáu tháng đầu năm nay, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2,7 triệu tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng đến cuối năm 2022, sản lượng dự kiến tăng 200.000 tấn so với mức 4,9 triệu tấn trong năm 2021.
Khó khăn với xuất khẩu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, việc đồng rúp tăng đã làm giảm sức cạnh tranh của thịt lợn Nga. Đồng thời, khả năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Việt Nam trên thực tế đã bị vô hiệu do sản xuất thịt lợn tại các nước đã được khôi phục hoàn toàn. Ngoài ra, xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các vấn đề vận chuyển trở nên tồi tệ hơn vào tháng 4/2022 trong bối cảnh xung đột ở Nga và Ukraine và làn sóng trừng phạt mới của phương Tây. Theo ước tính của NSS, xuất khẩu thịt lợn của Nga 6 tháng đầu năm 2022 sẽ giảm 23%so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 81.600 tấn. NSS dự báo vào cuối năm nay, sẽ có thêm 50.000 con thịt lợn được bán trên thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia, nhìn chung, việc tăng thêm 250.000 tấn thịt lợn sẽ gây áp lực cho thị trường trong năm nay và nhu cầu có thể giảm do thu nhập của người tiêu dùng giảm. Theo dự báo của Bộ Kinh tế Nga, thu nhập khả dụng thực tế của người dân trong năm nay có thể giảm 6,8%.
Ông Yury Kovalev cho rằng, nhu cầu tăng từ người dân là cách duy nhất để loại bỏ nguy cơ quá bão hòa của thị trường. Ông cho rằng sẽ không thể giảm nhập khẩu thịt, vì đã ở mức tối thiểu - khoảng 5% lượng tiêu thụ và chưa có điều kiện tiên quyết để tăng xuất khẩu.
Ông Sergei Yushin– chủ tịch Hiệp hội Thịt Nga cho biết, mức tiền lương của nhân viên nhà nước và phúc lợi xã hội có thể hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trước đó đã công bố mức tăng lương tối thiểu từ ngày 1/6/2022 lên 10%, biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến hơn 50 triệu công dân, tổng số tiền chi ra hơn 500 tỷ rúp.Theo ông Kovalev, nếu tình trạng dư thừa của thị trường thịt lợn tiếp tục trong một hoặc hai năm tới, các công ty có hiệu quả thấp có thể rời bỏ thị trường.
Theo ước tính của NSS, sự tăng giá ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi được mua bằng ngoại tệ dẫn đến giá thịt lợn trung bình trong năm 2021 tăng 25-30% so với năm 2019, điều này gây khó khăn lớn trong việc trả các khoản vay. Tuy nhiên, Sergei Yushin lưu ý rằng chi phí sản xuất đã ổn định trong năm nay và 25 công ty lớn nhất trong ngành không có kế hoạch giảm sản lượng, mặc dù họ không có kế hoạch khởi động các dự án mới.
Một nguồn tin thị trường cho biết thêm rằng công nghệ chế biến thịt của Nga đang bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, có tới 80% thiết bị và linh kiện được sản xuất tại EU, do đó những khó khăn trong nhập khảu phương tiện sản xuất có nguy cơ làm giảm sản lượng thịt.
Nguồn:Vinanet/VITIC/meatcommerce.com