menu search
Đóng menu
Đóng

Hơn 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê và bài học về chuỗi cung ứng

08:47 13/01/2025

Nông dân phường Chi Lăng, thành phố Pleiku (Gia Lai) áp dụng khoa học kỹ thuật giúp vườn cà phê đạt năng suất cao. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có sản lượng sản xuất, xuất khẩu cà phê Top đầu thế giới nhưng phải mất gần 1 thế kỷ, đến năm 2024 lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.
Làm gì để duy trì đà tăng trưởng đó một cách bền vững trong bối cảnh thị trường nhiều biến động khó lường là đề bài mà nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trăn trở tìm lời giải cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tăng trưởng nhờ bão giá
Niên vụ cà phê 2023 -2024 (từ tháng 10/2023 – tháng 9/2024) Việt Nam xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt gần 5,43 tỷ USD, giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước. Tính riêng năm 2024, đến ngày 15/12, xuất khẩu cà phê đã đạt 5,2 tỷ USD. Cà phê trở thành mặt hàng nông sản thứ 3 sau rau quả và gạo xuất khẩu vượt mốc 5 tỷ USD.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cao cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng vọt là do cơn sốt giá chưa từng có ở nửa đầu năm 2024. Niên vụ cà phê 2023 – 2024, từ dự báo giảm sản lượng ở nhiều quốc gia sản xuất lớn, thị trường chứng kiến giá xuất khẩu liên tục tăng. Lần đầu tiên giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch Luân Đôn ở mức trên 5.000 USD/tấn, giá cà phê Robusta cao hơn cả cà phê Arabica trong khi trước đó luôn thấp hơn. Trong nước, giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua và cao hơn cả giá xuất khẩu.
Tính chung trong cả niên vụ 2023 - 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt bình quân 3.673 USD/tấn, cao hơn gần 50% so với niên vụ 2022/2023. Với mức tăng này, cà phê hiện là nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Về thị trường, EU tiếp tục là đích đến xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 563.000 tấn, trị giá 2 tỷ USD, giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 41% về kim ngạch so với niên vụ trước, chiếm 38% về lượng và 37% về kim ngạch trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Dù thắng lớn về kim ngạch và người trồng cà phê thu lợi cao nhưng năm 2024 cũng là năm chứng kiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cà phê lao đao từ cuộc "rượt đuổi" về giá thu mua, xuất khẩu. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk chia sẻ, những tháng đầu năm 2024, trong khi nông dân trồng cà phê phấn khởi vì giá lên cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.

Cà phê chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ ở phường Chi Lăng, thành phố Pleiku (Gia Lai) cho chất lượng ổn định. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Việc giá cà phê tăng "chóng mặt" khiến một số đơn vị thu gom hủy hợp đồng, không giao hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp xuất khẩu không được giao hàng với các đơn đã ký giá thấp, buộc phải mua bù giá cao hơn để giao cho đối tác. Nhưng khi giá cà phê tiếp tục tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại tiếp tục bị đối tác hủy hợp đồng dẫn đến lỗ chồng lỗ.
Chưa hết, trước áp lực duy trì nhà máy rang xay, chế biến, nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam cũng phải chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế như Brazil và Ấn Độ. Đại diện Nestle Việt Namcho biết, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê nguyên liệu trong hai năm trở lại đây khiến việc thu mua cà phê trong nước ngày càng khó khăn và rủi ro.
Dù luôn ưu tiên thu mua, tiêu thụ cà phê Việt Nam nhưng doanh nghiệp cũng phải xem xét việc nhập khẩu cà phê từ các quốc gia khác để đảm bảo hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến được xuyên suốt. Điều này đồng nghĩa thị phần cà phê Việt Nam bị thu hẹp, hệ luỵ sẽ kéo dài đến những năm sau.
Làm gì để khẳng định giá trị
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), niên vụ cà phê 2024-2025 tổng sản lượng của Brazil ước đạt 69,9 triệu bao, trong đó Arabica 48,2 triệu bao và Robusta 21,7 triệu bao; Việt Nam có tổng sản lượng khoảng 29 triệu bao, trong đó xuất khẩu 24,4 triệu bao, còn 4,6 triệu bao tiêu thụ nội địa.

Cà phê hạt tại Risaralda, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chuyên gia trong nước cũng dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam vài năm tới sẽ tăng nhiều. Trong 2 năm gần đây, cà phê được giá nên người nông dân tập trung đầu tư chăm sóc vườn, năng suất tăng lên rõ. Hơn nữa, Đề án tái canh cây cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (giai đoạn 2014-2022) đã có hiệu quả tích cực cả về năng suất và sản lượng. Chưa kể, tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng mới liên tục tăng nhưng chưa thống kê được cụ thể, rất khó để dự báo tổng sản lượng.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê nhận định: Thị trường thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững. Nhiệm vụ của ngành cà phê Việt Nam trước mắt là sớm giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, lấy lại uy tín từ đối tác xuất khẩu.
Từ phía người nông dân, cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu. Doanh nghiệp bên cạnh thu mua, xuất thô cần tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Với kinh nghiệm xuất khẩu cà phê nhiều năm, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh chia sẻ: Dù có sản lượng lớn song cà phê Việt Nam luôn bị gắn mác chất lượng chưa tốt nên giá trị thu về thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trên thị trường, chỉ cần một mặt hàng nông sản được dự báo cung không đủ cầu thì giá sẽ tăng chóng mặt. Tuy nhiên, khi nguồn cung tăng trở lại giá nông sản cũng lại giảm rất nhanh. Doanh nghiệp và cả người trồng cà phê cần thuộc lòng quy luật này để tránh chạy theo sản lượng.
Theo ông Thông, người tiêu dùng thế giới ngày càng ưu tiên sử dụng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Nếu chỉ bám vào cung - cầu nguyên liệu thì giá trị cà phê trong toàn chuỗi cũng không thay đổi nhiều. Do đó, Việt Nam phải tập trung cải thiện chất lượng và tạo ra nhiều sản phẩm có bản sắc, giá trị cao hơn là cà phê nguyên liệu. Đây không chỉ là một gợi ý về cơ hội, mà là một xu hướng cần được bắt nhịp để gia tăng giá trị và xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam.
"Khi cà phê thường được bán với giá 3 USD/kg thì cà phê đặc sản có thể bán được từ 11-35 USD/kg, gấp 3 -11 lần. Các công ty lớn trong ngành cà phê đều đã thành lập đội ngũ chuyên làm cà phê đặc sản. Phúc Sinh cũng đã bắt tay vào sản xuất cà phê đặc sản, dù sản lượng còn ít nhưng được khách hàng, thị trường đón nhận tích cực.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững hay thực hành sản xuất đáp ứng tiêu chí m môi trường - xã hội - quản trị (ESG) đã là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Vì vậy, muốn bán được hàng ra thế giới, và bán được cho những thị trường quan trọng như EU thì không còn con đường nào khác, doanh nghiệp phải liên kết với nông dân xây dựng chuỗi sản xuất - chế biến đạt tiêu chuẩn", ông Phan Minh Thông nêu khuyến nghị.

Nguồn:Xuân Anh/BNEWS/TTXVN

Link gốc