menu search
Đóng menu
Đóng

Indonesia điều chỉnh thuế xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ

17:12 02/08/2021

Theo Quyết định số 76/PMK.05/2021 của Bộ Tài chính Indonesia ngày 25/06/2021, thuế xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Indonesia kể từ ngày 02/07/2021 tới đây sẽ được thực hiện theo các mức và cách tính thuế mới.
 
Theo đó, nước này nâng giá xuất khẩu khởi điểm chịu thuế lũy tiến từ 650 USD/tấn lên 750 USD/tấn. Nếu giá xuất khẩu từ 750 USD/tấn trở xuống, mức thuế xuất khẩu ấn định chung là 55 USD/tấn đối với các sản phẩm dầu cọ thô-CPO, mức thuế chung ấn định cho các sản phẩm chế biến từ dầu cọ khác sẽ dao động từ 25-45 USD/tấn tùy theo từng loại sản phẩm.
Tính từ mức giá 750 USD/tấn trở lên đến 1.000 USD/tấn, cứ khi giá xuất khẩu tăng thêm 50/USD thì mức thuế sẽ tăng thêm 20 USD đối với các sản phẩm dầu cọ thô (CPO) và 16 USD/tấn đối với các sản phẩm phái sinh từ dầu cọ. Ấn định một mức thuế chung khi giá xuất khẩu vượt 1.000 USD/tấn là 175 USD/tấn đối dầu cọ thô CPO; và từ 3 USD-141 USD/tấn đối với các sản phẩm phái sinh khác từ dầu cọ, tùy theo từng loại sản phẩm.
Theo Chính phủ Indonesia, việc điều chỉnh mức và cách tính thuế dầu cọ lần này nhằm gia tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm dầu cọ của Indonesia trên thị trường quốc tế cũng như nâng cao phúc lợi của người nông dân trồng cọ, phát triển bền vững ngành dầu cọ của đất nước.
Hiệp hội dầu cọ của Indonesia (GAPKI) cho biết, xuất khẩu dầu cọ thô (CPO) của nước này trong năm 2020 đạt 34 triệu tấn, mang về doanh thu 22,97 tỷ USD.
Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Theo Hiệp hội dầu cọ Indonesia (Gapki), xuất khẩu dầu cọ và các sản phẩm từ dầu của nước này diễn ra bình thường bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia. Xuất khẩu dầu cọ và các sản phẩm từ dầu cọ được Gapki dự báo tiếp tục gia tăng trong nửa cuối năm 2021, trong bối cảnh xu hướng tăng giá dầu cọ vẫn tiếp tục và các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu dầu cọ của nước này đang tận dụng tốt cơ hội giá tăng này. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng lượng dầu xuất khẩu của nước này đạt 13.75 triệu tấn, trong đó các sản phẩm chế biến từ dầu là 10.16 triệu tấn, sản phẩm sinh hóa dầu (oleo-chemical) 1.66 triệu tấn và dầu cọ thô là 1.33 triệu tấn. Các thị trường xuất khẩu dầu chính của nước này tiếp tục là Ấn Độ, Pakistan, Trung quốc và Băng-la-đét.Năm 2021, Indonesia phấn đấu xuất khẩu 30-35 triệu tấn dầu. Trong năm 2020, nước này đã xuất khẩu được 34 triệu tấn dầu các loại.
Indonesia tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển các sản phẩm dầu cọ chế biến
Theo Bộ Điều phối về các vấn đề về kinh tế, Indonesia đang nỗ lực phấn đấu trở thành nước sản xuất các sản phẩm dầu cọ chế biến hàng đầu thế giới thay vì nước sản xuất dầu cọ thô lớn nhất như hiện nay. Nước này hiện đang triển khai một số chính sách phát triển nghành: (1) thực hiện các chính sách ưu đãi thuế; (2) xây dựng các khu chế biến dầu cọ tổng hợp có kết hợp cảng bốc dỡ; (3) thực hiện chương trình dầu diesel sinh học bắt buộc để thay thế dầu diesel nhập khẩu. Các nhóm sản phẩm dầu cọ chế biến mà nước này tập trung phát triển đó là: dầu ăn và Vitamin A; về hóa chất dầu có bột giặt/chất tẩy rửa, dầu nhờn sinh học, dầu diesel sinh học, khí biogas. Hiên nạy, Indonesia đã sản xuất được 170 sản phẩm chế biến từ dầu cọ (chủ yếu là các sản phẩm thực phẩm và sinh hóa dầu) thay vì chỉ có 70 sản phẩm cách đây 10 năm. Tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ chế biến từ nước này hiện cũng chiếm 60-70% tổng lượng dầu cọ xuất khẩu trong khi xuất khẩu dầu cọ thô chỉ còn chiếm 30-40%.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương