Khối Liên minh Kinh tế Á-Âu (UEA) bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Trong đó, Nga được cấp hạn ngạch nhập khẩu 200.000 tấn thịt bò của Brazil sẽ có hiệu lực trong cả năm 2022 và hạn ngạch 100.000 tấn thịt lợn có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022.
Khối UEA còn cung cấp hạn ngạch nhập khẩu tổng cộng 38.500 tấn thịt bò tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh từ Brazil cho các nước sau: Armenia 5.000 tấn, Kazakhstan 21.000 tấn, Kyrgyzstan 5.000 tấn và Belarus 7.500 tấn. Bên cạnh đó, còn cấp hạn ngạch 5.000 tấn thịt lợn đông lạnh cho Armenia và 7.000 tấn cho Kazakhstan và 20.000 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh cho Belarus.
Hạn ngạch nhập khẩu mới được quy định trong Quyết định 116/2021 của Liên minh Á-Âu đã được thỏa thuận trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina tới Moscow vào tháng 11/2021. Sau chuyến công tác này, chính phủ Nga đã đồng ý cho phép nhập khẩu trở lại đối với 16 nhà máy chế biến thịt của Brazil, đặt tại 8 bang (Goiás, Mato Grosso do Sul, Mato Grosso, Pará, Rondônia, Rio Grande của miền Nam, Santa Catarina và São Paulo). Trong đó có 7 nhà máy chế biến thịt bò; 8 nhà máy chế biến thịt lợn và 1 nhà máy chế biến thịt lợn và gia cầm.
Trước kia, tất cả các nhà máy này đã được phép xuất khẩu sang Nga, nhưng đã bị đình chỉ từ năm 2017 do cáo buộc phát hiện ra chất cấm, chất tạo nạc ractopamine trong các sản phẩm thịt của Brazil. Năm 2018, chỉ có một số nhà máy đủ tiêu chuẩn được phép xuất khẩu trở lại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil - Tereza Cristina đã đàm phán vấn đề này với người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thú y và Kiểm dịch Liên bang Nga (Rosselkhoznadzor), Sergey Dankvert, ngay lập tức, hai cơ sở kinh doanh thịt bò của Brazil được phép xuất khẩu trở lại.
Theo thông báo từ Cơ quan đại diện thương mại của Liên bang Nga tại Brazil, vào ngày 25/11/2021 có 12 nhà máy thịt bò, thịt lợn và gia cầm khác của Brazil đã được xóa bỏ hạn ngạch.
Hai nhà máy nữa của Brazil có thể sẽ sớm được phép xuất khẩu thịt bò trở lại sang Nga. Với việc được phép xuất khẩu trở lại, hiện nay Brazil có 19 cơ sở thịt bò, 14 thịt lợn và 29 cơ sở gia cầm được phép xuất khẩu sang thị trường Nga, bên cạnh đó có 26 sản phẩm sữa được phép xuất khẩu sang Nga.
Nguồn:Vinanet/VITIC/thepoultrysite.com