Khó tại thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực, đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng 27,8% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch XK đạt 4,023 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020; phần lớn các mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều tăng.
Tổng trị giá XK nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính theo từng thị trường, tổng trị giá XK tới các thị trường thuộc khu vực châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73 tỷ USD; châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD; châu Đại Dương tăng 29,2%, đạt 239 triệu USD; XK sang khu vực châu Âu xấp xỉ bằng với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,72 tỷ USD.
Theo Bộ NN&PTNT, phía Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh do đó thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và Trung Quốc vẫn là thị trường lớn trong XK nông sản của Việt Nam. Hiện nay, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam lan rộng tại các địa phương. Các địa phương có dịch đều chung một đặc điểm là có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa vụ thu hoạch và Trung Quốc là thị trường XK chính như vải, nhãn, thanh long..., có nguy cơ gây áp lực lưu thông hàng hóa để đưa nông sản lên các tỉnh biên giới XK sang thị trường Trung Quốc.
Từ góc độ địa phương, ông Bùi Văn Khắng -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dịch Covid-19 đã khiến nhiều loại thủy sản của tỉnh gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, nhất là XK sang thị trường Trung Quốc, có thời điểm phải phụ thuộc vào XK tiểu ngạch. "Thực tế là nhiều loại thủy sản của Quảng Ninh đã nằm trong danh mục được phép XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như ngao, hàu. Tuy nhiên, do phía Hải quan Trung Quốc chưa có hướng dẫn giám sát các mặt hàng để XK chính ngạch qua cửa khẩu Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh, nhiều loại nông sản buộc phải theo đường XK tiểu ngạch", ông Khắng nói.
Tại thị trường châu Âu, Bộ NN&PTNT nêu rõ, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng khan hiếm container vẫn tiếp tục diễn ra ở các tuyến vận tải biển từ châu Á sang Hoa Kỳ và EU, trong khi đó vận tải bằng đường không có chi phí quá lớn đối với biên độ lợi nhuận của hàng nông sản nói chung.
Tương tự tại thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong thời gian tới, XK hàng nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh tình trạng khan hiếm container, khó khăn còn do cước vận chuyển từ châu Á sang Mỹ vẫn không ngừng tăng.
Ổn định tại Nhật Bản, Hàn Quốc
Trong khi XK sang Trung Quốc, EU, Mỹ được dự báo đối diện với những khó khăn nhất định thì hàng nông, lâm, thủy sản đi Nhật Bản, Hàn Quốc có dấu hiệu ổn định, khả quan hơn. Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh, tình hình XK nông sản từ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong quý 1/2021 tăng trưởng tốt với mức tăng 5,9% và 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia dự đoán Nhật Bản và Hàn Quốc về cơ bản sẽ khống chế được dịch bệnh trong quý 2/2021 nhờ nguồn cung vắc xin dồi dào và các biện pháp quản lý hiệu quả hơn của Chính phủ. Do vậy, thị trường XK nông sản sang Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng cường công suất chế biến, tập trung vào sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, thủy sản đồ hộp chế biến. "Cần giảm thiểu mọi thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP, tổ chức liên kết sản xuất, lưu thông. UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc", ông Toản kiến nghị.
Từ góc độ Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, thời gian vừa qua, chi phí logistics cho XK khá lớn. Nếu DN, cơ quan quản lý nhà nước đồng hành tháo gỡ kéo giảm chi phí xuống thì sẽ góp phần tăng cạnh tranh cho hàng nông sản, cộng hưởng với tác động từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Đây là khâu hết sức quan trọng trong tháo gỡ khó khăn thúc đẩy XK hàng hóa trong bối cảnh Covid-19. Bên cạnh đó, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng cũng phải tính đến tình trạng các loại cước phí tăng lên sẽ hình thành 1 mặt bằng giá mới, dù nỗ lực các giải pháp cũng không thể quay về mặt bằng giá trước đây.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, thời gian tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các địa phương giải quyết các vướng mắc trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt ở khu cực cửa khẩu biên giới. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản gửi đến cơ quan chức năng Trung Quốc mong phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan nông sản tại các cửa khẩu cặp biên giới, tránh ứ đọng cục bộ, đồng thời lập đường dây nóng với tỉnh Nam Ninh của Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn...
Nguồn:haiquanonline.com.vn