Giá cao kỷ lục
Thông tin từ Tổng cục Hải quan, cho thấy, từ 1/1 đến 15/12/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,5 triệu tấn, trị giá 3,9 tỷ USD. Về lượng thì tương đương với cùng kỳ 2022, nhưng kim ngạch lại tăng 11,3%.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng khá trong khi lượng xuất khẩu không tăng, là nhờ giá cà phê tăng cao. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam lập mức cao kỷ lục 3.603 USD/tấn, tăng 40,7% so với tháng 10/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.573 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng cao chủ yếu nhờ xu hướng tăng sử dụng cà phê Robusta trên toàn cầu. Lạm phát và lãi suất ở nhiều nền kinh tế lớn ngày càng cao, làm tăng chi phí sinh hoạt và giảm mức thu nhập khả dụng trong một thời gian rất dài đối với phần lớn các nước trên thế giới.
Những yếu tố này đã góp phần làm suy giảm tiêu thụ cà phê cũng như làm giảm xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, trong niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023) xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu là 123 triệu bao, giảm 5,6% so với niên vụ 2021-2022.
Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu cà phê nhân nói chung bị giảm, thì xuất khẩu cà phê Robusta trên toàn cầu lại tăng, do nhiều người tiêu dùng trên thế giới chuyển từ cà phê Arabica có giá cao sang cà phê Robusta có giá rẻ hơn. Điều này thể hiện rất rõ qua số liệu của ICO.
Trong niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê Arabica toàn cầu chỉ đạt 67,05 triệu bao, giảm 10,1% so với niên vụ 2021-2022. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 43,76 triệu bao, tăng 2,6%.
Người tiêu dùng chuyển mạnh từ Arabica sang sử dụng cà phê Robusta, đã khiến cho giá cà phê Robusta trên thế giới tăng mạnh, qua đó tác động lớn tới giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Do giá cà phê xuất khẩu tăng cao, giá cà phê nhân xô trong nước cũng đã đạt những cột mốc lịch sử, có thời điểm đã lên tới 70.000 đồng/kg, là mức chưa từng có trước đây. Có thể nói giá cà phê nhân xô trong năm 2023 đã nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người trong ngành cà phê, từ nông dân cho tới các nhà thu mua, xuất khẩu. Chính vì vậy, khi giá lên trên 60.000 đồng/kg, gần như nông dân không được hưởng mức giá này vì đã ồ ạt bán hết cà phê khi giá mới ngoài 50.000 đồng/kg – là mức mà nông dân đã thấy có lợi nhuận tốt.
Đến đầu niên vụ 2023-2024 (bắt đầu từ tháng 10/2023), giá cà phê nhân xô vẫn ở mức cao, trên 60.000 đồng/kg. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho biết, trong tất cả các niên vụ cà phê trước đây, chưa từng thấy niên vụ nào mà vào thời điểm đầu niên vụ giá cà phê nhân xô lại cao đến như vậy.
Giá cà phê được dự báo tiếp tục ở mức cao trong năm 2024. Ảnh: Thanh Sơn.
Giá vẫn tích cực trong năm 2024
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nhân cà phê, giá cà phê Việt Nam vẫn sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2024. Trước hết, như đã nói ở trên, giá cà phê nhân xô ở mức rất cao ngay từ đầu niên vụ 2023-2024, sẽ là cơ sở quan trọng để giá cà phê tiếp tục đứng ở mức cao vào cuối năm 2023 và đầu 2024. Thông tin từ các thương nhân cà phê cho thấy, trong những ngày cuối năm 2023, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đang ở mức gần 70.000 đồng/kg.
Trên thị trường London, giá giao dịch cà phê Robusta trong những ngày cuối năm 2023 cũng đang ở mức cao, có thời điểm đã lên tới mức kỷ lục là 3.022 USD/tấn. Ngoài nguồn cung hạn chế, còn có một nguyên nhân quan trọng là tuyến đường vận tải hàng hải Á - Âu qua kênh đào Suez bị lực lượng Houthi tấn công, khiến cho nhu cầu hàng giao ngay trở nên căng thẳng.
Ông Đỗ Hà Nam nhận định, nhiều khả năng trong năm 2024, giá cà phê nhân xô ở Việt Nam sẽ ở mức cao nhất thế giới. Nguyên nhân là do sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm, trong đó có nguyên nhân quan trọng là ở nhiều diện tích vốn trồng xen sầu riêng với cà phê, nông dân đang chặt bỏ cà phê để biến vườn trồng xen thành vườn độc canh sầu riêng nhằm đáp ứng quy định về cấp mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Do đó, nếu như trong năm 2023, đến tháng 6 gần như đã không còn cà phê trong dân, thì trong năm 2024, có thể chỉ đến tháng 4 hoặc tháng 5 là đã xảy ra điều này. Mà từ nay đến tháng 4/2024, các nhà nhập khẩu cà phê EU, nếu mua cà phê Robusta thì chỉ có thể trông cậy vào Việt Nam, khi mà các nước sản xuất Robusta lớn khác chưa vào vụ.
Thậm chí khi các nước khác thu hoạch cà phê Robusta, nguồn cung vẫn hạn chế. Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo, tổng sản lượng cà phê của Indonesia (nước sản xuất cà phê lớn thứ 4 thế giới, chủ yếu là Robusta) niên vụ 2023-2024 sẽ giảm hơn 18% so với niên vụ 2022-2023, xuống ở mức 9,7 triệu bao. Dự kiến Indonesia sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành cho xuất khẩu khoảng 5 triệu bao cà phê hạt, giảm tới 35% so với niên vụ trước.
Khẩn trương thực hiện EUDR
Ngày 16/5/2023, Ủy ban châu Âu đã thông qua nội dung Quy định chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR). Theo quy định này, cà phê là một trong những mặt hàng nông nghiệp sẽ không được phép nhập khẩu vào thị trường EU nếu sản phẩm được trồng trên đất phá rừng sau ngày 31/12/2020.
EUDR đã có hiệu lực từ tháng 6/2023 và đến hết tháng 12/2024 sẽ chính thức áp dụng đối với các tập đoàn lớn (nhập khẩu vào châu Âu). Tháng 6/2025 sẽ chính thức áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (nhập khẩu vào châu Âu).
Để xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU không bị ảnh hưởng bởi EUDR, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho biết, trong thời gian qua, hiệp hội đã có nhiều buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Tổ chức Cà phê 4C, Ban Tư vấn phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) để bàn giải pháp tuân thủ quy định cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành cà phê.
Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức nhiều hội nghị để triển khai về EUDR, đã làm việc trực tiếp với Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường Liên minh châu Âu về việc Việt Nam cam kết luôn có trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường qua việc thực hiện khẩn trương EUDR và CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới các bon) theo quy định của EU.
Tại Hội nghị Cà phê Quốc tế châu Á lần thứ 27 diễn ra ở TP.HCM từ 5-6/12/2023, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho rằng, trong bối cảnh sản lượng cà phê toàn cầu đang có xu hướng giảm, thì sự phát triển ngành cà phê toàn cầu phải gắn với tăng trưởng xanh. Trước hết, ngay từ đầu niên vụ 2023-2024, ngành cà phê toàn cầu phải có kế hoạch hành động triển khai thích ứng với EUDR, CBAM và chứng chỉ các bon của EU. Triển khai từng bước các chương trình này là thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê toàn cầu đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nguồn:Thanh Sơn/Báo Nông nghiệp Việt Nam