Với mục tiêu nhìn nhận các điểm nghẽn, khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ của chuỗi ngành hàng sen, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể cho phát triển bền vững ngành hàng sen thành ngành hàng chủ lực của tỉnh, chiều ngày 1/9, tại xã Mỹ Hoà, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười tổ chức tọa đàm “Nâng cao hình ảnh và giá trị Sen Đồng Tháp”.
Tại tọa đàm, các nông dân bày tỏ, trước đây cây sen phát triển rất tốt nhưng trong thời gian gần đây, trên các diện tích trồng sen xuất hiện hiện tượng “chết dây”, thoái hóa ngó trong gian đoạn sắp thu hoạch. Thêm vào đó, giá cả sen bấp bênh, khó khăn trong việc liên kết để đảm bảo đầu ra với mức giá ổn định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ sen như sữa sen, trà sen, hạt sen sấy, rượu sen,... cho rằng, sản lượng sen do nông dân cung ứng thường tập trung theo mùa; nhất là vào mùa nghịch, sản lượng sen rất thấp.
Hơn thế, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn hình thành một vùng nguyên liệu riêng sản xuất theo yêu cầu và đảm bảo chất lượng để sản xuất các sản phẩm xuất sang các thị trường khó tính.
Tiến sỹ Dương Văn Ni, trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại buổi tọa đàm "nâng cao hình ảnh và giá trị sen Đồng Tháp". Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Dương Văn Ni - Trường Đại học Cần Thơ phân tích, nếu thực hiện sản xuất khép kín không tháo nước hoặc dẫn nước vào đồng, thì mỗi năm hàm lượng dinh dưỡng trong đất sẽ giảm 1/3.
Như vậy, trong 30 năm, nguồn đất trên sẽ trở thành “đất nghèo”. Qua nghiên cứu, việc trồng sen dẫn nước lưu thông vào đồng ruộng sẽ giúp đất bồi thêm 0,8 – 2 cm bùn mỗi năm. Điều này cho thấy, trồng sen sẽ có tác dụng giúp đất không trở nên kiệt quệ.
Các thành viên trong hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thực hiện kéo sợi tơ sen. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Tuy nhiên, Tiến sĩ Ni khuyến nghị, mỗi loại sen sẽ có những đặc điểm khác nhau, cho nên cần chọn thổ nhưỡng tương thích; đồng thời, “bản chất cây sen là ưa đất lạ”, cần thay đổi giống trồng qua các thời vụ để hạn chế bệnh hại trên sen.
Tiến sĩ Ni kiến nghị các ngành chuyên môn Đồng Tháp cần tập hợp các kỹ thuật mô tả đặc tính cho các giống sen, thống kê về nhu cầu nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp; kết nối nông dân để cùng sản xuất tạo ra vùng nguyên liệu để phát triển cây sen trong thời gian tới.
Tiến sỹ Ngô Thị Thu Trang, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại buổi tọa đàm "nâng cao hình ảnh và giá trị sen Đồng Tháp". Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang - Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Đồng Tháp là nơi có cơ hội chuỗi giá trị ngành hàng sen, bởi đây là địa phương được mệnh danh là “thủ phủ đất Sen hồng”; du lịch nông nghiệp, nông thôn tại địa phương ngày càng thu hút du khách; đồng thời, hệ sinh thái khởi nghiệp từ sen ngày càng phát triển,....
Song, theo Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, điểm nghẽn, khó khăn trong chuỗi giá trị ngành hàng sen là diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh hiện nay có sự sụt giảm khá lớn so với trước đây; thêm vào đó, thiếu sự liên kết hữu cơ giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là doanh nghiệp và nông dân trong việc mua bán sản phẩm; một số ngành hàng sen còn đơn giản, chưa được đầu tư phát triển; khai thác phát triển ngành hàng sen phục vụ cho phát triển du lịch nông thôn còn nhiều vấn đề nan giải.
Các thành viên trong hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thực hiện kéo sợi tơ sen. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Do vậy, giải pháp đặt ra là cần phục hồi và phát triển nguồn nguyên liệu; trong đó, cần có chính sách chuyển đổi từ lúa sang sen, hoặc xen canh lúa-sen theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm, đặc biệt thí điểm và phát huy mô hình trồng sen theo hướng an toàn, định hướng hữu cơ.
Bên cạnh đó, khi thực hiện liên kết cần đảm bảo chữ “tín” và “sự đoàn kết”; đồng thời, chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia chương trình OCOP (xây dựng thương hiệu, câu chuyện, hoàn thiện bao bì... ), đẩy mạnh xúc tiến; đa dạng hóa sản phẩm tạo giá trị đặc thù riêng cho chuỗi giá trị Đồng Tháp như tinh dầu sen, trang sức về sen, tơ sen...; gia tăng giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch như: ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các giá tri ̣văn hóa gắn với sen, mua sắm sản vậṭ từ sen; sử dụng công nghệ phần mềm, thương mại điện tử trong kết nối đầu ra sản phẩm,…
Ông Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Khánh Thu, chuyên sản xuất các sản phẩm từ sen phát biểu tại tọa đàm "Nâng cao hình ảnh và giá trị sen Đồng Tháp". Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 850 ha trồng sen và có trên 20 mặt hàng từ sen (chủ yếu là thực phẩm). Ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, diện tích sen phát triển nhiều tại hai huyện Tháp Mười, Cao Lãnh. Địa phương đã xây dựng thành công nhãn hiệu “sen Tháp Mười”.
Để phát triển bền vững ngành hàng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp mong muốn được các nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu giống cây trồng, quy trình sản xuất xen canh trên cùng một diện tích để mang lại hiệu quả cho người trồng sen. Song song đó, về định hướng cơ giới hóa, ngành chuyên môn sẽ khảo sát và thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết bị bóc vỏ, lấy tim sen,… với điều kiện nông dân liên kết, đối ứng thực hiện với quy mô, số lượng lớn.
Nguồn:Chương Đài/TTXVN