menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường dầu thực vật và đường thế giới ngày 11/7: Giá dầu cọ nới rộng mức tăng do xuất khẩu mạnh

15:55 11/07/2023

Hôm nay 11/7, giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia hồi phục phiên thứ hai liên tiếp do xuất khẩu mạnh cùng dự trữ khan hiếm. Giá đường trên hai sàn giao dịch thế giới đồng loạt sụt giảm.
Dầu thực vật
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 9/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 22 ringgit, tương đương 0,56% lên 3.942 ringgit (845,74 USD)/tấn.
Theo dữ liệu của Uỷ ban Dầu cọ Malaysia (MPOB), dự trữ dầu cọ của nước này vào cuối tháng 6/2023 chỉ đạt 1,72 triệu tấn, tăng 1,9% so với tháng trước đó. Con số này thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Các nhà khảo sát hàng hoá Amspec Agri và Intertek Testing Services đưa ra số liệu xuất khẩu trong khoảng thời gian từ ngày 01 – 10/7/2023 của Malaysia đã tăng 18,7 – 26,1%.
Giá dầu cọ thô sẽ có xu hướng tăng do mùa sản xuất cao điểm chậm hơn dự kiến cùng thời tiết hiện tại không mấy thuận lợi đối với dầu cọ, dầu đậu tương và các loại dầu thực vật khác.
Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương giảm trở lại sau khi tăng 4,3% trước đó. Trên sàn giao dịch Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 0,7% còn giá dầu cọ tăng 1,3%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Đường
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tuần do sản lượng tăng mạnh tại khu vực sản xuất trọng điểm Trung Nam của Brazil.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn ICE giảm 0,09 cent, tương đương 0,4% xuống ở 23,44 US cent/lb. Giá đường trắng giao tháng 8/2023 trên sàn London giảm 1,1 USD, tương đương 0,2% chốt ở 665 USD/tấn.

Mặc dù sụt giảm nhưng giá đường vẫn tương đối cao, khiến các nhà sản xuất ở Brazil ưu tiên sử dụng mía để sản xuất đường hơn là sản xuất nhiên liệu ethanol sinh học.
Hiệp hội mía đường Brazil (Unica) dự kiến trong tuần này sẽ công bố dữ liệu sản xuất đường và ethanol trong nửa cuối tháng 6/2023.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters