Giá lúa tại Cần Thơ tiếp tục giữ giá so với tuần trước như OM 4218 là 6.600 đồng/kg, IR 50404 là 6.300 đồng/kg, Jasmine cũng vẫn giữ nguyên là 7.500 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng giá lúa Đài Thơm 8 là 8.000 đồng/kg, OM 5451 là 7.850 đồng/kg, ST 24 là 8.300 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, giá lúa vẫn ổn định so với tuần trước như: lúa IR 50404 là 6.500 đồng/kg, OM 5451 là 6.700 đồng, Jasmine là 7.000 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang với IR 50404 là 7.000 đồng/kg, Jasmine là 7.400 đồng/kg và OC10 là 7.000 đồng/kg.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức từ 445 - 450 USD/tấn, giảm so với mức 458 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giao dịch chậm lại do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang tới gần. Các nhà xuất khẩu đang tập trung giao các hợp đồng đã ký, trong khi nguồn cung trong nước thấp sau khi xuất khẩu nhiều trong năm 2022.
Các nhà giao dịch cho biết vụ thu hoạch Đông Xuân cao điểm, vụ mùa lớn nhất trong năm, sẽ bắt đầu vào tháng 2/2023 và cao điểm từ giữa tháng 3/2023.
Trong khi giá xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm thì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng trong tuần này lên mức cao nhất trong gần hai năm nhờ đồng baht mạnh và nhu cầu ổn định.
Các thương nhân cho biết giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ 480 USD/tấn trong tuần trước lên 495 USD/tấn ngày 12/1, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021 nhờ đồng USD mạnh lên và nhu cầu trong nước nhiều hơn.
Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết mức giá trên là mức cao nhất trong 3 - 4 năm qua vì đồng baht mạnh và nhu cầu từ Indonesia. Nhà giao dịch này cho hay giá gạo có thể lên tới 500 USD/tấn.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, được chào bán ở mức 375 - 382 USD/tấn, không đổi so với tuần trước.
Giá gạo trắng tại Ấn Độ đã tăng lên 398 - 405 USD/tấn so với mức 394 - 400 USD/tấn trong tuần trước đó nhờ nhu cầu tốt.
Một đại lý của công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại New Delhi cho biết các khách hàng đang ưu tiên gạo Ấn Độ hơn bất chấp thuế xuất khẩu. Nguồn cung của Ấn Độ rẻ hơn ít nhất 50 USD/tấn so với các nước khác.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản đều tăng trong phiên ngày 13/1 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ, dẫn đầu là đậu tương.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 4 xu Mỹ (0,6%) lên 6,75 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 3/2023 tăng 9,25 xu Mỹ (0,61%) lên 15,2775 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 chỉ tăng 1 xu Mỹ (0,13%) lên 7,4375 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Thị trường CBOT phục hồi trước kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài ba ngày. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không công bố số liệu doanh số bán hàng mới.
Xu hướng giá trung lập sẽ được kéo dài sang mùa Xuân sau khi Mỹ cắt giảm sản lượng vào ngày 12/1. Vẫn khó để có thể lạc quan về thị trường nông sản trong thời gian dài trong bối cảnh thiếu yếu tố thúc đẩy nhu cầu và cải thiện độ ẩm trong đất tại Mỹ và châu Âu. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago tiếp tục bán ra chốt lời.
Doanh số xuất khẩu ngô trong tuần kết thúc vào ngày 5/1 là 10 triệu bushel, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.
Dữ liệu về kho dự trữ tăng tại Mỹ được công bố ngày 12/1 cho thấy cần phải chú ý nhiều hơn đến thời tiết của Argentina trong tháng 2 và nhu cầu của Trung Quốc vào mùa xuân.
Bích Hồng - Minh Hằng
Nguồn:VITIC/TTXVN