Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá cao su đang có sự tăng giảm trái chiều tại các thị trường quan trọng ở châu Á, nhưng xu hướng giảm mạnh hơn. Tâm lý thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu của Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và mối lo ngại của các nhà giao dịch về xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi Trung Quốc áp thuế quan trả đũa lên hàng hóa của Mỹ.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, các mặt hàng gồm than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ nhập khẩu vào nước này sẽ chịu thuế 15%; dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số ô tô nhập khẩu chịu thuế 10%. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đệ đơn kiện Mỹ lên WTO và thực hiện các biện pháp đáp trả.
Trong tuần đầu tháng 2, các công ty sản xuất lốp xe tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết, nhưng công suất vận hành vẫn còn thấp. Tỷ lệ hoạt động của các nhà máy lốp xe toàn thép tại Trung Quốc được ghi nhận ở mức hơn 13%. Tỷ lệ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất lốp xe bán thép là gần 13%.
Mặc dù vậy, đà giảm của giá cao su phần nào bị hạn chế do thị trường được hỗ trợ bởi thời tiết bất lợi tại Thái Lan, nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Lượng mưa lớn gần đây tại miền Nam Thái Lan đã gây gián đoạn hoạt động thu hoạch mủ trước mùa rụng lá, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5, thời điểm cây cao su cho năng suất thấp.
Trong đà giảm giá chung trên thị trường châu Á, trong tháng đầu tiên của năm nay, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ so với tháng 12/2024, nhưng vẫn đang ở mức tốt. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong tháng 1, giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 1.859 USD/tấn, tăng 32% so với tháng 1/2024. Nhờ giá cao su xuất khẩu duy trì ở mức cao nên trong tháng 1, trong khi lượng cao su xuất khẩu giảm tới 24% so với cùng kỳ 2024 do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thì kim ngạch vẫn tăng nhẹ 0,6%.
Giá cao su được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới, do nguồn cung đang ở giai đoạn thấp điểm. Giá cao su cũng được hỗ trợ bởi sự mất cân đối cung - cầu dài hạn trên toàn cầu.
Trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết, tiêu thụ cao su toàn cầu ước tính đã vượt sản lượng 1,16 triệu tấn trong năm 2024. ANRPC nhận định, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028, dẫn đến mức thiếu hụt hàng năm từ 600.000 đến 800.000 tấn cao su.
Trong những năm gần đây diện tích trồng cao su tại các quốc gia sản xuất hàng đầu Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia có xu hướng giảm dần do người dân chuyển đổi cây trồng từ cao su sang các loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm 2025, chiếm tỷ trọng 79% về lượng và 78% về trị giá, với khối lượng đạt 126.000 tấn, trị giá 233 triệu USD, giảm 24,7% về lượng nhưng tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt 1.846 USD/tấn, tăng 33%.
Nguồn:Sơn Trang/Báo Nông nghiệp Việt Nam