Trung Quốc đã phải vật lộn để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID, với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu kém, nợ chính phủ ngày càng gia tăng và tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến việc làm, hoạt động và đầu tư.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ giảm xuống 4,6%, từ mức 5,2% trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong trung hạn.
Ông Ma Wenfeng, chuyên gia cấp cao tại Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, cho biết: “Việc giảm tiêu thụ thịt là một triệu chứng của suy thoái kinh tế”.
Công ty tư vấn nông nghiệp JCI tại Thượng Hải dự đoán mức tiêu thụ thịt lợn năm 2023 của Trung Quốc khoảng 53 - 54 triệu tấn, thấp hơn mức trung bình 10 năm là từ 54 - 55 triệu tấn. Nhà phân tích Rosa Wang của JCI cho biết mức tiêu thụ thịt lợn năm 2024 có thể sẽ duy trì ở mức khoảng 54 triệu tấn hoặc thấp hơn.
Gro Intelligence dự đoán tăng trưởng tiêu thụ thịt của Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024 sau khi tăng 3,6% trong năm 2023. Kết quả là khối lượng nhập khẩu thịt của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính mức tiêu thụ thịt lợn và thịt gà của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ giảm 2,5% so với năm 2023, trong khi mức tiêu thụ thịt bò và thịt bê được dự đoán sẽ tăng 1,6%.
Nhu cầu yếu đã khiến nông dân và thương nhân chịu áp lực sau khi mở rộng chăn nuôi trong những năm gần đây dẫn đến dư thừa thịt lợn và gia cầm, khiến Chính phủ Trung Quốc cuối năm 2023 phải mua hàng chục nghìn tấn thịt lợn để dự trữ nhằm nâng giá thịt lợn.
Lợi nhuận giảm đã buộc một số công ty kinh doanh ở Xinfadi phải đóng cửa.
Về lâu dài, dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm 2023 đã làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu giảm từ quốc gia nhập khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và những tác động đó đối với ngành nông nghiệp toàn cầu.
Theo số liệu hải quan Trung Quốc, tổng lượng thịt nhập khẩu đã giảm từ mức đỉnh 9,91 triệu tấn vào năm 2020 xuống còn 7,38 triệu tấn vào năm 2023 trong bối cảnh sản lượng trong nước tăng cao.
Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dân số già cũng đồng nghĩa với việc nhiều thực khách quan tâm đến sức khỏe đang chuyển từ thịt sang các món ăn thay thế như đậu phụ.
Nguồn:Vinanet/VITIC/reuters