menu search
Đóng menu
Đóng

TT phân bón ngày 20/3: Giá trong nước không đổi, Ure thế giới giảm

14:28 20/03/2019

Vinanet -Giá phân bón ngày hôm nay nhìn chung ổn định ở hầu khắp các vùng Bắc – Trung – Nam. Trên thế giới giá Ure giảm nhẹ. Tại thị trường nguyên liệu giá dầu và khí tự nhiên đều tăng.
Tại các vùng Tây Nam Bộ như khu vực An Giang đang thu hoạch khoảng 50% lúa Đông Xuân nên nhu cầu chậm. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ xuống giống Hè Thu. Trong khi đó, tại Kiên Giang, đang chuẩn bị xuống giống Hè Thu, tuy nhiên, nhu cầu chưa tăng nhiều. Trước đó, giá Ure bán ra của đại lý cấp 1 tại khu vực Cần Thơ ngày 15/3 ở mức 7.000 – 7.100 đồng/kg.
Tại Miền Bắc, các khu vực đều đang trong vụ Đông Xuân nên nhu cầu không cao, giá phân Ure Hà Bắc đại lý cấp 1 chào bán tại kho nhà máy ở mức 7.150 đồng/kg. Ure Ninh Bình chào bán tại kho cấp 1 Vĩnh Phúc đạt 7.300 đồng/kg.
Thế giới, giá Ure hạt đục tại Vịnh Mỹ giao kỳ hạn tháng 4,5 và 6/2019 đều giảm từ 2 – 5 USD/tấn, xuống quanh mức 238,5 -244,5 USD/tấn, FOB.
Ure hạt đục tại Trung Đông giao kỳ hạn tháng 4 và 5/2019 cũng đều giảm từ 0,5 – 3 USD xuống còn khoảng 236,5 – 240 USD/tấn, FOB.
Tại thị trường nguyên liệu, giá dầu thế giới neo gần ngưỡng cao nhất bốn tháng trong phiên giao dịch ngày 19/3.
Sự hưng phấn của thị trường diễn ra giữa lúc xuất hiện những đồn đoán về khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới cuối năm nay.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 6 xu Mỹ, xuống 59,03 USD/thùng, sau khi có thời điểm vào giữa phiên leo lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 là 59,57 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn lại tăng 7 xu Mỹ, lên 67,61 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Giá dầu trong phiên này nhận được sự hỗ trợ vào cuối phiên, sau khi Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) công bố dữ liệu cho hay dự trữ dầu thô của nước này giảm 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3, xuống 446,8 triệu thùng. Kết quả này đi ngược với dự báo tăng 309.000 thùng của giới phân tích. Tuy vậy, thị trường vẫn đang chờ đợi báo cáo chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về dự trữ nguồn cung, dự kiến được công bố trong ngày 20/3.
Giá dầu đã tăng 20% kể từ khi OPEC và các nước đồng minh, bao gồm Nga, bắt đầu thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu và vực dậy giá “vàng đen”. Sau cuộc nhóm họp ngắn tại Azerbaijan, OPEC đã quyết định hủy kế hoạch họp như dự kiến vào tháng Tư tới, tạo điều kiện để thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của tổ chức này và các đồng minh sẽ có hiệu lực ít nhất tới tháng Sáu, khi cuộc họp chính sách tiếp theo diễn ra. Ngoài ra, quyết định trì hoãn cũng cho phép các nhà sản xuất đánh giá liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela (hai thành viên của OPEC) sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường dầu trong vài tháng tới.
Trong khi đó, một số nhà phân tích quan ngại rằng, việc trì hoãn cuộc họp vào tháng Tư tới có thể bắt nguồn từ căng thẳng giữa Saudi Arabia, nước đứng đầu OPEC, và Nga, nhà sản xuất dầu lớn nhất nằm ngoài OPEC.
Ngoài ra, việc nguồn cung bị thắt chặt trong những tháng sắp tới có thể khiến giá dầu Brent chênh lệch đáng kể so với mức giá khởi điểm đầu năm nay, điều này đồng nghĩa là giá dầu giao ngay sẽ đắt hơn giá dầu giao kỳ hạn.
Tại thị trường khí, khí tự nhiên của Mỹ tăng lên mức cao nhất 2 tuần trong ngày 19/3/2019, do các dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi tăng trong tuần tới. Ngoài ra, các thương nhân lưu ý sản lượng là rất thấp. Trong khi nhu cầu LNG và xuất khẩu qua đường ống tiếp tục tăng bởi đường ống mới và các chuyến tàu khí hóa lỏng đi vào phục vụ.
Nhu cầu bổ sung khiến thị trường khó khăn cung cấp thêm lượng lưu kho khi đã thấp hơn mức trung bình 5 năm 32,4% và ở mức thấp nhất vào thời điểm này kể từ năm 2014.
Khí tự nhiên giao tháng 4/2019 trên sàn giao dịch bán buôn New York tăng 2,4 US cent hay 0,8% đóng cửa phiên 19/3/2019 tại 2,874 USD/mmBtu, cao nhất kể từ ngày 5/3/2019.
Với thời tiết dự kiến lạnh, số liệu của Refinitiv dự đoán nhu cầu tại 48 tiểu bang của Mỹ tăng lên trung bình 96 tỷ feet khối bcfd trong tuần tới, tăng từ 91,3 bcfd dự báo trong ngày 18/3.
Xuất khẩu LNG dự kiến tăng lên kỷ lục 5,8 bcfd vào tuần tới.
Tại cùng thời điểm, theo Refinitiv sản lượng tại 48 tiểu bang tăng lên mức cao nhất 1 tuần tại 87,4 bcfd vào ngày 18/3/2019, nhưng vẫn dưới mức cao kỷ lục một ngày 89,1 bcfd vào ngày 30/11/2018.
Bảng giá năng lượng thế giới sáng 20/3/2019

Mặt hàng

Đơn vị tính

Giá hiện nay

+/-

Thay đổi so với 1 ngày trước

Thay đổi so với 1 năm trước

Dầu WTI

USD/thùng

58,8798

-0,13

-0,22 %

-9,68%

Dầu Brent

USD/thùng

67,7131

-0,03

-0,04 %

-2,56%

Khí tự nhiên

USD/mmBtu

2,8640

-0,01

-0,38%

8,57%

Xăng

USD/gallon

1,8938

-0,0031

-0,16 %

-5,89%

Dầu đốt

USD/gallon

1,9898

-0,0034

-0,17 %

-0,69%

Nguồn: Reuters
Tại thị trường tiền tệ, Ngân hàng nhà nước (NHNN) sáng nay (20/3/2019) niêm yết tỷ giá trung tâm VND/USD ở mức 22.958 đồng/USD, giảm 2 đồng so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Cũng tại sở giao dịch ngân hàng nhà nước, giá mua - bán USD được niêm yết ở mức là 23.200 đồng/USD và 23.597 đồng/USD, không đổi ở chiều mua vào và giảm 2 đồng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày hôm qua 19/3/2019.
Tại một số các ngân hàng thương mại như Vietinbank, Techcombank, HSBC, Sacombank…có sự chênh lệch ở cả hai chiều mua và bán.
Trên thị trường tự do, lúc 9h30 giá USD niêm yết ở mức mua vào là 23.20 đồng/USD và bán ra là 23.205đồng/USD, giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 5 đồng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng ngày hôm qua 19/3/2019.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Nhân dân tệ (CNY) áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước thông báo ngày hôm nay ở mức 3.420,43 VND/CNY.
Tại thị trường thế giới, đồng USD giảm xuống đáy 2 tuần trước thời điểm bước ngoặt Mỹ có thể thay đổi hoàn toàn chính sách tiền tệ so với cách đây nửa năm.

Nguồn:Vinanet