Tăng trưởng mạnh
Gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2020, đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 18,9%, giữa lúc tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tính, xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 5/2020 tăng mạnh, 47% về lượng và 55,3% về trị giá so với tháng 4/2020; tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750 nghìn tấn, trị giá 395 triệu USD. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.
Đánh giá về con số này, GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - nhận định, đây là một tín hiệu rất tốt, bằng chứng cho thấy Việt Nam có đủ lượng gạo chất lượng cao - yếu tố quan trọng để đưa giá gạo Việt lên cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng, hiện nhiều nước đang thiếu gạo. Họ không có khả năng sản xuất nhanh như Việt Nam, trong khi hệ thống sản xuất của chúng ta vừa đảm bảo an toàn lương thực cho người dân trong nước, đồng thời có sản lượng nhanh chóng đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nước đang thiếu gạo. Cầu trên thị trường thế giới tăng cao góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu gạo Việt tăng cả lượng và giá trị.
Chất lượng gạo Việt cao
So sánh ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Thái Lan, GS. TS Võ Tòng Xuân cho biết: Thái Lan có diện tích trồng lúa 10,3 triệu ha, trong đó trồng lúa cao sản hơn 2 triệu ha. Việt Nam có 3,5 triệu ha trồng lúa, trong đó khoảng 2 triệu ha lúa cao sản. Mặc dù, diện tích trồng lúa của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, tuy nhiên, Việt Nam có thể trồng 2- 3 vụ lúa. Do đó, nếu tính theo mùa vụ trồng, tổng diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam khoảng hơn 7 triệu ha. Các giống gạo thơm của Việt Nam như: ST24, ST 25, OM 5451, OM 4900 có phẩm chất gần như gạo thơm của Thái Lan. Chất lượng lúa cao sản của Việt Nam và Thái Lan đã ngang nhau. Hiện, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam khoảng 485 USD/tấn. Nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo thơm và người tiêu dùng thế giới quen với thương hiệu gạo Việt, mức giá gạo xuất khẩu có thể đẩy lên mức 600 USD/tấn. “Gạo thơm của Thái Lan được bán với giá 800 USD/tấn. Chất lượng gạo Việt ngang bằng so với Thái Lan, tuy nhiên, hương không thơm bằng gạo Thái Lan, tôi cho rằng, mức giá 600 USD/tấn là hợp lý” - GS. TS Võ Tòng Xuân nói. Hiện, nhiều doanh nghiệp đang chú trọng bán sản phẩm gạo thơm cao cấp tại thị trường nội địa.
Nhận định về thị trường từ nay đến cuối năm 2020, GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng, xuất khẩu gạo Việt là một “bức tranh” rất sáng. Thị trường châu Phi đang rất hấp dẫn, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt phải bán thông qua trung gian châu Âu để tránh bị lừa gạt. Thị trường Philippines cũng rất rộng mở đối với gạo Việt, do giá thành trồng gạo ở Philippines cao hơn Việt Nam. Đối với hai thị trường này, chúng ta có thể xuất khẩu gạo trung bình. Đối với thị trường Trung Đông khó tính hơn, Việt Nam cần đưa các sản phẩm gạo cao cấp để tiếp cận thị trường này.
Dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2020 có thể cao hơn mục tiêu đặt ra. Chúng ta đặt ra mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo, tuy nhiên, con số xuất khẩu này có thể lên 8 triệu tấn, với mức giá xuất khẩu 480 USD/tấn thì kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam có thể đạt con số 3,9 tỷ USD.
Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.
Nguồn:Congthuong.vn