Tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2024, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/5, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, ngày càng nhiều mặt hàng, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
“Chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, quy trình sản xuất được nâng cao, sự đa dạng về sản phẩm cùng những nỗ lực tuân thủ yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam đã chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu, bất chấp những yếu tố khó khăn mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt”, ông Vũ Bá Phú cho biết.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, dư địa thị trường xuất khẩu là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt.
Để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu…
Đặc biệt, hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu đang và sắp vào mùa như: vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ…sẽ gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh thông tin, Thành phố có hơn 13.000 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản, trong đó có trên 1700 cơ sở chế biến, 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Thành phố cũng đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả, 4 cơ sở đóng gói với công suất 30 đến 50 tấn/ngày/1 cơ sở để phục vụ xuất khẩu. Trong đó, có 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối, 8 mã số cho vùng trồng nhãn.
5 tháng đầu năm 2024, sản phẩm nông sản Hà Nội tiếp tục là nhóm sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu của Hà Nội. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Nội đứng đầu là gạo chiếm 50%, cà phê chiếm 14%, hạt điều 11,5%, hạt tiêu 6,8%, chè 4,6%. Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của Hà Nội tăng đáng kể, 107,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn do lạm phát tại các thị trường nhập khẩu vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, nhất là tại các thị trường trọng điểm của hàng hóa xuất khẩu Hà Nội như EU, châu Mỹ; xu hướng chuyển dịch nguồn cung gần thị trường tiêu thụ của các tập đoàn đa quốc gia để giảm thiểu gián đoạn nguồn cung...
Tại hội nghị, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu các ý kiến, đề nghị với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ thông tin thị trường cụ thể; các giải pháp liên quan đến xúc tiến thương mại để hỗ trợ các nhà cung ứng nông sản mùa vụ khai thác thị trường tiêu thụ, giảm tải các khó khăn về thị trường khi vào vụ thu hoạch.