XK sang nhiều thị trường đạt mức đỉnh
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 8/2023, XK thủy sản sang nhiều thị trường đều đạt mức đỉnh kể từ đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mỹ. Lần đầu tiên XK thủy sản tăng trưởng dương sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp, thị trường Mỹ đã lấy lại vị thế số 1 với 165 triệu USD kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 8, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Với những dấu hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, VASEP dự báo XK cá tra và tôm trong những tháng tới sẽ tiến triển tốt hơn. Theo đó, XK cá tra có thể mang về doanh số 1,8-1,9 tỷ USD, XK tôm ước đạt 3,6 tỷ USD và các mặt hàng hải sản sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Và như vậy, dự báo tổng XK thủy sản năm 2023 có thể đạt khoảng 9,1 - 9,2 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022.
Trong đó, dù XK cá tra vẫn thấp hơn 24%, nhưng XK tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Mỹ đều hồi phục trong tháng 8/2023, như: tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích của bà Lê Hằng, mặc dù đang hồi phục chậm, nhưng thị trường Mỹ vẫn có xu hướng tốt hơn đối với tiêu thụ thủy sản đông lạnh. Trong khi giá bán lẻ thủy sản tươi sống tại Mỹ tiếp tục giảm, thì giá bán thủy sản đông lạnh đang tăng nhẹ 0,5%. Tới tháng 8/2023, lượng người tiêu dùng Mỹ ăn uống bên ngoài đã cao hơn trước, cũng là dấu hiệu tích cực về xu hướng tiêu thụ trong những tháng tới.
Tính đến hết tháng 8/2023, XK thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đã chạm mốc 1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023, thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD doanh số XK cho thủy sản Việt Nam, ít hơn 23% so với năm 2022.
Ngoài thị trường Mỹ, XK thủy sản sang Nhật Bản và Trung Quốc trong tháng 8 tuy cao hơn so với 2 tháng trước đó, nhưng chưa phản ánh rõ xu hướng hồi phục. Tuy nhiên, vụ việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ít nhiều đang làm xáo trộn thương mại thủy sản của nước này với các thị trường như Trung Quốc và các thị trường khác. Diễn biến này có thể giúp thủy sản Việt Nam có thêm thị phần tại một số thị trường trong thời gian tới. Do vậy, dự báo XK thủy sản sang Trung Quốc sẽ tăng trở lại mạnh mẽ hơn vào 4 tháng cuối năm, vừa để đáp ứng nhu cầu dịp lễ, tết Nguyên đán, vừa bù đắp phần nào sụt giảm từ thị trường Nhật.
Ngoài các thị trường chính với các xu hướng khác nhau, có nhiều thị trường nhỏ ghi nhận mức tăng trưởng trong tháng 8 cũng đang được các doanh nghiệp tập trung khai thác XK, như: Australia, Philippines, Brazil, Ả rập Xê út và một số thị trường trong khối EU như Italy, Thụy Sỹ, Phần Lan… Trong tháng 8/2023 cũng ghi nhận sự bứt phá của nhiều sản phẩm thủy sản, tập trung chủ yếu vào các loài hải sản như cá tuyết, cá Minh Thái, ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm… Những sản phẩm như cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cua ghẹ, cá tra chế biến, tôm khô… đang có nhu cầu nhập khẩu (NK) tăng so với năm trước.
Nhiều yếu tố thuận lợi cho DN tăng tốc
Theo các doanh nghiệp, kết quả XK thủy sản trong tháng 8 là tín hiệu cho thấy thủy sản XK đang trở lại đường đua và sẽ dần tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Theo lãnh đạo Công ty CP Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, đơn đặt hàng trong quý 3/2023 đã được cải thiện so với quý 2/2023 cả về sản lượng và giá tiêu thụ. Hoạt động kinh doanh của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn đã có tín hiệu khởi sắc trong quý 2/2023 và được kỳ vọng sẽ phục hồi rõ rệt trong nửa cuối năm nay. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này sang Mỹ và Trung Quốc trong quý 2/2023 đã lần lượt tăng 31% và 43% so với quý 1/2023. Đối với thị trường Mỹ - thị trường quan trọng hàng đầu của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp này, khi mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức ban hành kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Theo đó, Thuỷ sản Vĩnh Hoàn - một trong hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0 USD/kg.
Nhận định có nhiều điểm sáng XK trong những tháng cuối năm 2023, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, đầu tháng 9, một khúc quanh đi lên sáng sủa xuất hiện ở ngành cá. Đợt xem xét hành chính lần thứ 19, mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cá tra cho hai bị đơn bắt buộc là 0% (Vĩnh Hoàn) và 0,14 USD/kg (Caseamex). Một số doanh nghiệp là bị đơn tự nguyện theo mức thuế 0,14 USD/kg. Như vậy, đầu mối doanh nghiệp XK cá vào Hoa Kỳ tăng lên và chi phí có phần nhẹ thở hơn so với lúc trước. Điểm tích cực, rất đáng khen ở đây là hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đã chuẩn bị hồ sơ sổ sách rất tốt để nỗ lực vượt qua khó khăn đang diễn ra.
“Một điểm cũng đáng chú ý là trong văn bản ký kết Quan hệ Chiến lược Toàn diện Việt Mỹ vừa ký hôm 10/9, có ghi phía Mỹ sẽ sớm xem xét quy chế kinh tế thị trường cho nước ta. Nếu điều đó được thực hiện sớm, việc xem xét kết thúc vụ kiện (sunset review) chống bán phá giá con tôm và cá tra của chúng ta sẽ có nền tảng, căn cứ vững vàng hơn”- ông Hồ Quốc Lực nhận định.
Theo VASEP, Mỹ luôn là đối tác nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Các mặt hàng thủy sản XK chủ lực sang Mỹ đều có doanh số tăng đột phá. Không chỉ là thị trường nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, Mỹ đồng thời cũng là đối tác cung cấp một số mặt hàng hải thủy sản quan trọng cho thị trường Việt Nam. Kim ngạch XK thủy sản của Mỹ sang Việt Nam khoảng trên 60 triệu USD mỗi năm, với những mặt hàng chính gồm cá hồi, cá trích, cá bơn, cá Minh Thái, cá tuyết... Phần lớn các hải sản Việt Nam được các đối tác Mỹ XK sang Việt Nam để gia công, chế biến và XK trở lại thị trường này. Hoạt động này cũng mang thêm doanh thu cho doanh nghiệp Việt, tạo việc làm ổn định cho công nhân và tận dụng được năng lực và công suất chế biến của các nhà máy trong nước.
Các doanh nghiệp thủy sản nhận định, sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp XK thủy sản Việt Nam tăng tốc trong những tháng tới.
Nguồn:Haiquanonline