Theo VASEP, năm 2023 xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022. tôm thẻ chân trắng với kim ngạch 2,5 tỷ USD, giảm 20,5%; tôm sú gần 460 triệu USD, giảm 19,8%; tôm khác 415 triệu USD, giảm 28,3%. Xuất sang 100 thị trường, giảm so với 102 thị trường năm 2022.
Trong đó, Mỹ hiện đang là thị trường lớn nhất, chiếm 20% tổng kim ngạch; giảm mạnh đầu năm và từ tháng 7 thì tăng trưởng liên tục 2 con số với kết quả phục hồi tích cực. Thị trường Trung Quốc lớn thứ 2, chiếm 18% tổng kim ngạch. Thị trường Nhật Bản chiếm 15% tổng kim ngạch. Thị trường EU chiếm hơn 12%. Thị trường Hàn Quốc đứng thứ 5, chiếm 10% tổng kim ngạch.
Thách thức, cơ hội và dự báo năm 2024
Theo nhận định của VASEP, bước sang năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam có bước tăng trưởng “đột phá” nhưng vẫn đan xen nhiều thách thức. Nguồn nguyên liệu tiếp tục thiếu sự ổn định từ chất lượng đến giá thành. Xu hướng thị trường ưa chuộng sản phẩm tiện dụng, phù hợp điều kiện kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe và đáp ứng các chứng nhận quốc tế về bền vững. Tôm nuôi ở nước ta hiện khó cạnh tranh do hiệu quả thấp, giá cao. Các nhà đầu tư sẽ dần chuyển sang tập trung phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng vốn đang là lợi thế của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành tôm nước ta vẫn có thể tăng tốc nếu biết tận dụng những cơ hội sẵn có. Hiện Việt Nam đang giữ thị phần xuất khẩu tôm sang 4 quốc gia đứng đầu thế giới cùng với Ecuador, Ấn độ và Indonesia và giữ vị trí nhất định tại các thị trường chính này.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia sở hữu công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất thế giới với hơn 350 cơ sở đủ điều kiện về ATTP và được phép xuất khẩu. Số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng và Việt Nam đã tham gia nhiều FTAs so với các quốc gia khác. Ngoài ra, trong sản xuất, các doanh nghiệp không ngừng chủ động xây dựng liên kết chuỗi, linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường theo năng lực.
VASEP dự báo, năm 2024 dù ngành tôm toàn cầu còn phải đối mặt với sự tăng trưởng không chắc chắn thì xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn sẽ tăng 10 – 15%. Bởi vì, sự phục hồi kinh tế của các nước đưa tới nhu cầu tiêu thụ dần hồi phục. Đối với trị trường nội địa, các chương trình thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cho lao động sản xuất kinh doanh sẽ giúp ngành tôm dần thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản phẩm chế biến sâu, giao thương thị trường.
Tỷ giá USD giữ ổn định mức tăng nhẹ và kịp giải phóng lượng hàng tồn kho. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường lớn của tôm Việt Nam chiếm khoảng 40 – 45% tổng kim ngạch. Nhóm thị trường có vị trí địa lý gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… là lợi thế trong thời gian tới. Sự tăng trưởng tại các thị trường nhỏ lẻ sẽ là động lực và góp phần tăng trưởng xuất khẩu tôm trong năm 2024.