Những người hút thuốc lá chủ yếu là nam giới, lao động chính trong các gia đình, nếu bị nghiện thuốc lá, mất sức lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình. Hút thuốc lá không những tốn tiền mua thuốc, làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Qua điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế, giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có thêm chi phí để mua thức ăn hoặc trả tiền học cho con em mình.
Hút thuốc sẽ mang lại những hệ lụy làm hao tổn kinh tế đối với gia đình, tăng gánh nặng kinh tế đối với các quốc gia, khói thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các nghiên cứu về thuốc lá cho thấy, sử dụng thuốc lá gây ra chi phí chăm sóc y tế khổng lồ cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỉ đô la Mỹ. Theo ước tính, trong tổng số các vụ hỏa hoạn trên thế giới thì nguyên nhân do sử dụng thuốc lá chiếm 10%.
Hơn nữa, nghiện hút thuốc lá sẽ dẫn tới giảm tuổi thọ gây ra tử vong sớm làm giảm lực lượng lao động và sức lao động, tổn thất trực tiếp đến năng suất lao động. Người hút thuốc và xã hội còn phải gánh chịu những chi phí do khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở gia đình thì việc tăng chi phí y tế chữa những bệnh do hút thuốc gây ra cũng ảnh hưởng tới nguồn ngân sách của quốc gia. Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.
Thuốc lá là nguyên nhân làm cho nhiều hộ gia đình bị rơi vào cảnh khó khăn. Nếu số tiền chi tiêu cho thuốc lá đ¬ược sử dụng mua l¬ương thực, thực phẩm cho gia đình thì sẽ bớt khó khăn hơn. Tiêu dùng thuốc lá không chỉ gây nên nghèo đói mà còn làm tăng khoảng cách của bất bình đẳng, tăng khoảng cách giàu nghèo. Nghiên cứu cho thấy rõ gánh nặng tài chính từ thuốc lá đối với hộ gia đình, sự sói mòn trong chi tiêu do chi cho thuốc lá là điều cần đư¬ợc nhấn mạnh trong giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá. Khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí, khói thuốc tỏa ra ngoài môi trường khiến những người xung quanh mắc bệnh do hít phải khói thuốc lá thụ động. Rác thải của thuốc lá cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân làm tăng chi phí dịch vụ bảo vệ môi trường, khắc phục sự ô nhiễm không khí và môi trường sống.
Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Hàng năm chúng ta đang tự đốt đi một khoản tiền khá lớn vào thuốc lá, gây hệ lụy tới sức khỏe con người, tài chính và ô nhiễm môi trường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh không chỉ riêng Việt Nam, thuốc lá là một trong những tác nhân gây ra đói nghèo. Tỷ lệ lên đến khoảng 80% số người hút thuốc sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nếu cứ phải trả chi phí hao tổn do thuốc lá quá nhiều thì sẽ khó có đủ nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Mà kinh tế nghèo, trung bình thì tỷ lệ hút thuốc lại cao, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn của sự nghèo đói.
Vì vậy, để làm giảm tác hại của thuốc lá trong cộng đồng thì cần sự chung tay của toàn thể xã hội, các cấp, các ngành và các cơ quan, đoàn thể và địa phương. Đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm của các cơ quan, đơn vị, xây dựng cộng đồng dân cư không khói thuốc. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng sản phẩm thuốc lá và các quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Nguồn:VITIC tổng hợp