Luật sư Tim Osborne, đại diện cho các nhà đầu tư từng là cổ đông của Công ty Dầu khí Yukos, nhấn mạnh rằng hệ thống tư pháp của 2 nước này sẽ cho phép Nga trì hoãn việc thu giữ tài sản trong một thời gian dài.
Theo luật sư Vadim Klyuvgant của ông Mikhail Khodorkovsky, cựu giám đốc Yukos, bất kỳ cựu cổ đông nào của công ty đã bị phá sản này cũng có thể kiện lên tòa án của bất cứ nước nào trong số 154 quốc gia đã ký kết Công ước quốc tế New York năm 1958 về công nhận và thực hiện phán quyết của trọng tài quốc tế để yêu cầu phong tỏa tài sản của Nga.
Tháng 7-2014, Tòa án Trọng tài quốc tế The Hague phán quyết Nga đã vi phạm Hiến chương Năng lượng và chiếm đoạt tài sản của Yukos, buộc Moscow bồi thường 50 tỉ USD về việc quốc hữu hóa Yukos. Nguyên đơn là Công ty Group Menatep Limited (GML), đại diện quyền lợi của các cựu cổ đông Yukos, như Leonid Nevzlin, Vladimir Dubov… Khi đó, Bộ Tài chính Nga cho biết Nga kháng cáo phán quyết của tòa án. Các nhà đầu tư của Yukos còn thừa nhận có ý định tìm cách tịch biên tài sản của Nga ở châu Âu và Mỹ trong khuôn khổ phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế The Hague. Khi đó, người ta nói đến các nước Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Mỹ.
Theo báo Moskovsky Komsomolets, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders hôm 21-6 tuyên bố nhà chức trách nước này đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa 5 tài khoản ngân hàng của các cơ quan ngoại giao Nga - được thực hiện trước đó theo phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế The Hague trong vụ Yukos. Theo ông, những tài sản khác của các nhà ngoại giao Nga bị thu giữ cũng sẽ được trả lại.
Trong một diễn biến khác, các nhà điều tra liên bang Nga cho biết muốn thẩm vấn cựu trùm dầu mỏ Khodorkovsky, hiện sống ở Thụy Sĩ, với tư cách nghi phạm trong vụ giết ông Vladimir Petukhov năm 1998. Petukhov là thị trưởng một thành phố ở Siberia, nơi Yukos đặt nhà máy sản xuất dầu lớn nhất. Ông này là người đi đầu trong chiến dịch công khai phản đối chuyện nợ thuế của Yukos.
Theo Lục San
Người Lao Động
Nguồn:Người Lao Động