Chính phủ Đức cho biết, việc kiểm soát biên giới trước tiên sẽ được nối lại ở biên giới phía Nam với nước Áo, nơi lượng người di cư đổ tới gia tăng mạnh kể từ khi Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố mở cửa đón người di cư cách đây 1 tuần.
“Mục đích của biện pháp tạm thời này là hạn chế dòng người di cư đổ tới và quay trở lại những thủ tục trật tự khi người nước ngoài nhập cảnh vào Đức”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere tuyên bố.
Chính sách biên giới mở giữa các quốc gia châu Âu theo Hiệp ước Schengen vốn là một phần quan trọng của dự án Liên minh châu Âu (EU), nhưng các biện pháp kiểm soát có thể được áp dụng tạm thời.
“Việc mọi người có thể tự do di chuyển theo Schengen là một biểu tượng của sự hội nhập ở châu Âu. Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta cần phải quản lý tốt hơn đường biên giới bên ngoài của mình và đoàn kết để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư”, Ủy ban Châu Âu (EC) nói trong một tuyên bố.
Hôm nay (14/9), bộ trưởng bộ nội vụ 28 quốc gia thành viên EU sẽ tiến hành một cuộc họp bất thường để thảo luận đề xuất của EC về phân bổ 160.000 người xin tị nạn.
Trước đó, vào tối ngày Chủ nhật, các cao ủy EU đã nhóm họp tại Brussels nhưng không đi tới được thỏa thuận nào về vấn đề phân bổ người di cư. Một số quốc gia ở khu vực phía Nam châu Âu tiếp tục phản đối chủ trương áp đặt hạn ngạch (quota) về phân bổ người di cư vào các nước. Các quốc gia này cho rằng cách làm như vậy sẽ càng khiến người di cư đổ tới châu Âu nhiều hơn và phá vỡ xã hội đồng nhất của các nước trong khu vực.
Trong lúc các chính phủ ở châu Âu bất đồng, cuộc khủng hoảng di cư tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ngày 13/9, 34 người di cư, trong đó khoảng một nửa là trẻ em, đã chết đuối ngoài khơi một hòn đảo của Hy Lạp khi con thuyền chở họ bị đắm.
Nước Đức, nền kinh tế lớn nhất và giàu nhất châu Âu, đã trở thành một “thỏi nam châm” hút người nhập cư từ Syria và một số quốc gia Trung Đông-Bắc Phi khác. Người di cư tìm đường tới Đức bằng những hành trình trên biển và trên đất liền, thường đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và các hòn đảo của Hy Lạp, sau đó tới các nước vùng Balkan, Hungary và Áo.
Cảnh sát cho biết, đã có khoảng 13.000 người di cư tới thành phố Munich ở miền Nam nước Đức chỉ riêng trong ngày thứ Bảy, và có thêm 3.000 người nữa tới vào sáng ngày Chủ nhật.
Do các chuyến tàu tới Đức bị dừng, những nhóm người di cư buộc phải cắm trại trong một khu nhà di động ngầm dưới lòng đất ở thành phố Salzburg của Áo gần biên giới với Đức. Giao thông bị ùn ứ trên một trong những tuyến đường bộ nối giữa hai nước.
Hãng thông tấn APA dẫn lời Thủ tướng Áo Werner Faymann nói Vienna tạm thời sẽ chưa áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, nhưng tác động đối với nước Áo của việc Đức đóng cửa biên giới là rất khó để lường trước.
Theo dự kiến, các chuyến tàu từ Áo sang Đức sẽ bị dừng cho tới 5h sáng ngày thứ Hai theo giờ địa phương.
Hiện Đức đã nói rõ rằng nước này muốn các đối tác trong EU cùng chia sẻ gánh nặng đón người di cư. “Sự thật là việc châu Âu thiếu hành động trong cuộc khủng hoảng di cư đang đẩy nước Đức tới giới hạn khả năng của mình”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Sigma Gabriel tuyên bố.
Hầu hết người di cư đều không muốn ở lại các nước nghèo hơn ở phía Nam của châu Âu nơi họ đặt chân đến như Hy Lạp. Thay vào đó, họ tìm đường tới Đức hoặc Thụy Điển với hy vọng nhận được sự chào đón nồng hậu hơn. Nhiều người Đức đã đổ ra đường chào đón người di cư và các tình nguyện viên cũng ùa ra giúp đỡ họ.
Các nước Trung Âu hiện là những nước phản đối kịch liệt nhất kế hoạch của Chủ tịch EC Jean-Claude Trichet về phân bổ người di cư vào các nước trong khối.
“Chúng tôi sẽ giúp đỡ, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, nhưng chỉ trên cơ sở tự nguyện”, Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka phát biểu ngày 13/9. “Chế độ hạn ngạch sẽ không có tác dụng”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia Robert Kalinak thì tuyên bố sẽ tìm cách phá kế hoạch phân bổ người di cư. “Cách làm này chẳng có ý nghĩa gì và sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng”, ông Kalinak nói.
Theo Diệp Vũ
VnEconomy
Nguồn:VnEconomy