Bê bối gian lận khí thải của tập đoàn sản xuất xe hơi Volkswagen đang làm rúng động giới kinh doanh cũng như chính trường Đức. Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Volkswagen có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất với Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Volkswagen là tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất của Đức và là một trong những doanh nghiệp tuyển dụng lớn nhất của quốc gia này với hơn 270.000 lao động trong nước và cả lao động làm việc cho đối tác cung cấp.
Tổng giám đốcVolkswagen Martin Winterkorn đã phải trả giá cho vụ bê bối này với việc tuyên bố từ chức hôm qua 23/9. Giới chuyên gia kinh tế đang đánh giá tác động của vụ việc này lên ngành công nghiệp ô tô toàn cầu cũng như tác động đến kinh tế Đức.
“Thật bất ngờ là Volkswagen hiện giờ đã trở thành mối đe dọa lớn đối với kinh tế Đức, lớn hơn cả khủng hoảng nợ Hy Lạp”, Carsten Brzesk, kinh tế trưởng tại ING chia sẻ với Reuters. “Nếu doanh số của Volkswagen tại Bắc Mỹ giảm trong những tháng tới, thì nó sẽ không chỉ tác động đến bản thân doanh nghiệp này mà đến cả nền kinh tế Đức”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Volkswagen bán ra gần 600.000 xe hơi tại thị trường Mỹ năm ngoái, khoảng 6% trong tổng số 9,5 triệu xe của hãng trên thị trường toàn cầu.
Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho biết, Volkswagen có thể chịu án phạt lên tới 18 tỷ USD, nghĩa là cao hơn cả tổng lợi nhuận hoạt động năm 2014 của hãng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại với chính phủ Đức chính là các nhà sản xuất xe hơi khác như Daimler và BMW cũng có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bê bối của Volkswagen.
Chính phủ Đức hôm qua cho biết ngành sản xuất ô tô vẫn là trụ cột quan trọng với kinh tế nước này bất chấp Volkswagen ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. “Đây vẫn là một ngành kinh tế thành công, sáng tạo cao của Đức và tạo ra lượng lớn việc làm”, người phát ngôn Bộ kinh tế Đức cho biết.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp ô tô có thể trở thành mối đe dọa lớn với kinh tế Đức vốn được dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm nay. Kinh tế Đức hiện cũng đang phải chịu sức ép khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Năm 2014, gần 775.000 người làm trong ngành ô tô của Đức, chiếm 2% tổng lực lượng lao động.
Thêm vào đó, xuất khẩu linh kiện xe hơi và xe tải vốn là lĩnh vực thành công nhất của Đức. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực này đạt hơn 200 tỷ euro (225 tỷ USD) năm 2014, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức.
“Đó là lý do tại sao bê bối của Volkswagen không phải là vấn đề nhỏ. Kinh tế Đức đã bị ảnh hưởng vào trọng tâm”, Michael Huether, giám đốc viện kinh tế IW của Đức nhận định.
Thương hiệu “Made in Germany”
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, vụ việc của Volkswagen chưa chắc đã ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế Đức.
“Tôi cho rằng, ngành công nghiệp ô tô của Đức sẽ không cùng chìm nghỉm. Kinh tế một quốc gia không thể suy thoái chỉ đơn giản vì một doanh nghiệp”, kinh tế trưởng tại Commerzbank , ông Joerg Kraemer nhận định.
Hiệp hội mậu dịch Đức BGD cũng nỗ lực để trấn an dư luận với nhận định rằng không có dấu hiệu nào cho thấy khách hàng quốc tế bắt đầu nghi ngờ về chất lượng cũng như độ đáng tin cậy của doanh nghiệp Đức.
"Nhìn chung khách hàng vẫn không hoài nghi về sản phẩm thương hiệu “Made in Germany” (Sản xuất tại Đức)”, giám đốc điều hành BGA Andre Schwarz chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hiện nhiều doanh nghiệp Đức lo ngại bê bối của Volkswagen có thể tạo hiệu ứng domino đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, làm hủy hoại uy tín của sản phẩm dán nhãn “Made in Germany”.
Kinh tế Đức đã đứng vững trước cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, và đến nay là đà suy giảm kinh tế Trung Quốc, song hiện giờ có thể đối mặt với rủi ro lớn nhất chỉ từ một doanh nghiệp trong nước.
Minh Phương
Theo Reuters