Động thái này là một phần chiến lược thay đổi văn hóa công ty tại GE. Hãng nhận ra mình có thể thành công hơn nếu tin tưởng và trao quyền cho nhân viên nhiều hơn, Cara Hume - Giám đốc Nhân sự mảng Nước và Năng lượng tại GE cho biết.
Công ty cũng sẽ không theo dõi số ngày nghỉ của nhân viên nữa. Dù vậy, một số vẫn sẽ phải báo cáo vắng mặt với một số lý do liên quan đến công việc.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng với chính sách giới hạn hiện tại, người Mỹ thường không tận dụng hết số ngày phép và vẫn liên lạc với công ty khi đang nghỉ ngơi. Theo khảo sát gần đây của Hiệp hội Quản trị Nhân lực Mỹ, chỉ 2% nhân viên được áp dụng chính sách nghỉ có trả lương thoải mái.
Hiện tại, quyền lợi này mới được áp dụng chủ yếu tại các công ty nhỏ hơn và doanh nghiệp mới. GE - với 307.000 nhân viên trên toàn cầu là một trong những doanh nghiệp lớn hiếm hoi đã gia nhập làn sóng này.
Năm ngoái, ông chủ Virgin Group - Richard Branson cũng gây xôn xao khi tuyên bố sẽ cho phép một nhóm nhỏ nhân viên Virgin nghỉ làm thoải mái. Ông nói: "Nếu giờ làm 8 tiếng đã không còn được áp dụng, thì tại sao chính sách nghỉ phép lại bị giới hạn".
Tribune Publishing – hãng sở hữu hai tờ Chicago Tribune và Los Angeles Times cũng từng cố áp dụng chính sách tương tự. Nhưng sau đó, họ lại rút quyết định do gặp nhiều chỉ trích.
Thời gian nghỉ thoải mái có thể là chính sách hỗ trợ tuyển dụng và giữ chân tốt với các công ty. Chúng cũng có lợi cho nhân viên nữa, nếu họ cảm thấy thực sự thoải mái nếu nghỉ mà không phải lo lắng về việc bị coi là "lạm dụng quyền lợi".
Theo Hà Thu
VnExpress
Nguồn:VnExpress