menu search
Đóng menu
Đóng

Hy Lạp chính thức vỡ nợ kỹ thuật

06:35 01/07/2015

Vinanet - Về kỹ thuật, Hy Lạp vỡ nợ do không thể thanh toán 1,6 tỷ euro cho IMF đúng thời hạn, song hiện IMF vẫn đang cân nhắc giãn nợ cho chính phủ nước này.
Bất chấp nỗ lực cứu vãn vào phút chót, Hy Lạp và chủ nợ quốc tế không đạt được thỏa thuận để giải ngân cứu trợ Hy Lạp. Như vậy, Hy Lạp trở thành nước phát triển đầu tiên không thể trả nợ cho IMF, trước đó có Zimbabwe. Đây cũng là vỡ nợ IMF lớn nhất trong lịch sử của quỹ này.
Khoản nợ IMF đáo hạn vào hôm qua 30/6, đây cũng là thời điểm chương trình cứu trợ Hy Lạp hết thời hạn. Hiện IMF xếp Hy Lạp vào nhóm "khất nợ".
Chỉ vài giờ trước khi vỡ nợ, Thủ tướng Hy Lạp Alexsis Tsiđã đưa ra đề nghị xin gói cứu trợ thứ 3 từ các nước châu Âu không đi kèm với các điều kiện về thắt lưng buộc bụng mặc dù Bộ trưởng tài chính nước này, ông Yanis Varoufakis ngỏ ý cho biết Athens có thể sẽ hủy trưng cầu dân ý gây tranh cãi về cứu trợ dự kiến diễn ra cuối tuần này. Đề xuất này đã bị từ chối ngay lập tức.
Tuy nhiên, cuối ngày hôm qua, IMF cho biết sẽ xem xét đề nghị giãn nợ của Hy Lạp. Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, giới chức khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ nhóm họp để bàn về đề nghị gói cứu trợ thứ 3 trị giá 30 tỷ euro với thời hạn 2 năm mà Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đưa ra. Ngoài xin cứu trợ mới, ông Tsipras cũng đề cập đến tái cơ cấu nợ - một vấn đề mà đến nay các chủ nợ quốc tế vẫn không thỏa hiệp.
Trong một diễn biến liên quan, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) vừa hạ xếp hạng của 4 ngân hàng Hy Lạp xuống mức vỡ nợ từng phần sau khi chính phủ Hy Lạp áp dụng chính sách kiểm soát vốn.
Theo đó, S&P hạ xếp hạng của National Bank of Greece, Alpha Bank, Eurobank Ergasias và Piraeus Bank từ CCC xuống vỡ nợ từng phần.
Trước đó, S&P cũng hạ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống CCC- với triển vọng tiêu cực. Hãng này cho rằng, Hy Lạp sẽ vỡ nợ trong vòng 6 tháng nếu tình hình không thay đổi.
Hy Lạp đã nhận gần 240 tỷ euro thông qua 2 gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF kể từ năm 2010. Tiền cứu trợ giúp Hy Lạp vượt suy thoái nhưng phải trả giá bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng như giảm lương hưu trí, lương công chức.
Minh Phương
Theo Reuters, Bloomberg