Đây là nhận định của Giám đốc Phong trào bảo vệ nông dân (MODEF) – ông Alain Gaignerot. “Phương Tây áp lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và ngược lại đã ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp. Thắt chặt dù chỉ một lượng nhỏ hàng xuất khẩu cũng sẽ làm mất cân bằng thị trường nội địa tại châu Âu”, Sputniknews dẫn lời.
Trên thực tế, tuần trước, hàng trăm nông dân Pháp đã huy động máy kéo phong tỏa toàn bộ các tuyến đường nối tới thành phố Lyon của Pháp, kêu gọi chính quyền của Tổng thống Francois Hollande đàm phán với Nga, nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận nông sản của Moscow áp đặt với nông dân châu Âu.
Theo ước tính, trung bình cứ 10 nông dân tại Pháp thì có một người đang mấp mé bờ vực phá sản.
Giám đốc MODEF cho biết hiện các nhà sản xuất nông sản tại Liên minh châu Âu đang phải cắn răng bán sản phẩm với giá cực kỳ bèo bọt, thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giá cả tại thị trường nội địa ở châu Âu đã đi ngang trong một thời gian. Hiện khối lượng sản phẩm nhập khẩu và xuất khẩu ở thế bất cân, một yếu tố phản kinh tế trong nông nghiệp”, ông chỉ ra.
Trước có, cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm đối với khủng hoảng tại Ukraine, Liên minh châu Âu cùng Mỹ đã tung các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Đến tháng Sáu, các lệnh trừng phạt được nới rộng thêm 6 tháng nữa.
Đáp trả, Moscow kéo dài lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm trong vòng 1 năm, vốn sẽ hết hạn vào tháng Tám năm nay, đánh vào các nước đã nhằm vào Nga.
Sau khi Nga ra lệnh cấm nhập khẩu vào tháng 8/2014, Liên minh châu Âu đã khởi động các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nông dân. Có thể kể đến như thu hồi một số hoa quả trên thị trường, bồi thường cho nông sản không tìm được đầu ra. Trị giá chương trình lên tới hàng trăm triệu USD.
Đại sứ EU tại Nga từng ước tính châu Âu có thể thiệt hại tới 16 tỷ USD lợi nhuận vì bị Nga cấm nhập khẩu thực phẩm.
Theo Thảo Mai
Bizlive
Nguồn:Bizlive