menu search
Đóng menu
Đóng

Những tác động địa chính trị của TPP

15:28 08/10/2015

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại 12 quốc gia đàm phán TPP kết thúc với một hiệp định thương mại lịch sử, nhưng cũng mang ý nghĩa địa chính trị lớn.
 Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương, gồm Mỹ, Nhật, Canada, New Zealand, Australia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Mexico, Chile và Peru hoàn tất đàm phán. Bước tiến này mở đường cho sự ra đời của bản thỏa thuận thương mại được đánh giá là quan trọng nhất thế giới trong hai thập kỷ qua. Trước khi chính thức triển khai, TPP còn phải được quốc hội các nước tham gia đàm phán phê chuẩn.

Theo ông Daniel Twining, chuyên gia cao cấp về châu Á tại Quỹ German Marshall  thuộc chính phủ Mỹ, TPP hứa hẹn sẽ tự do hóa thương mại và đầu tư giữa 12 nền kinh tế thành viên, vốn đóng góp tới 40% GDP toàn cầu, 30% kim ngạch xuất khẩu và 25% kim ngạch nhập khẩu toàn cầu.

TPP trước hết sẽ tự do hóa giao dịch hàng hóa và dịch vụ, dỡ bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài và tăng cường sự minh bạch về pháp lý giữa các bên ký kết. Thỏa thuận đồng thời mở khóa cho những lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như ôtô và nông nghiệp, lâu nay vẫn hưởng lợi từ các rào cản bảo hộ. TPP sẽ thúc đẩy những ưu tiên "kinh tế mới" như tự do hóa giao dịch các sản phẩm kỹ thuật số và tăng cường hơn nữa độ mở của Internet giữa các quốc gia thành viên. Hiệp định này còn thắt chặt hơn công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các ngành mang tính sáng tạo cao như dược phẩm.

Chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo, việc thực thi TPP sẽ giúp GDP thế giới tăng gần 300 tỷ USD mỗi năm. Đây sẽ là bước đột phá quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu vốn đang bị thu hẹp.

Ý nghĩa địa chính trị

 Ngoài vai trò kinh tế, TPP cũng có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với các quốc gia tham gia ký kết.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực để TPP được quốc hội thông qua. Bà Hillary Clinton, một trong những gương mặt tiềm năng có khả năng kế nhiệm ông Obama, lại đang muốn lôi kéo sự ủng hộ của những thành phần cánh tả có tư tưởng bảo hộ trong đảng Dân chủ. Do đó, cựu ngoại trưởng Mỹ không thể hiện sự hậu thuẫn của mình dành cho TPP, một hiệp định bà từng đề cao.

TPP trong thời gian tới, trước khi bước qua thời hạn 90 ngày xem xét của Quốc hội Mỹ, được dự báo có thể vấp phải không ít chỉ trích.

Hầu hết các nghị sĩ đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ phản đối thỏa thuận này, như cách mà họ từng phản đối việc trao cho Tổng thống Obama quyền đàm phán TPP, khiến ông phải quay sang dựa vào những người Cộng hòa đang chiếm đa số tại Quốc hội.

Tình cảnh này khiến TPP trở thành mối quan tâm của cả hai đảng trên chính trường Mỹ, mặc dù ông Obama lâu nãy vẫn muốn "tự mình đạt được" một thỏa thuận thành công.

"Bạn thực sự nghĩ rằng chúng tôi bận rộn với các cuộc đàm phán đề rồi chính quyền khóa sau nhận mọi công lao ư?", một trưởng đoàn đám phán của Mỹ tiết lộ.

Ý nghĩa chính trị trong nước cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các nhà lãnh đạo ủng hộ TPP. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe xem thỏa thuận này như chất xúc tác cho những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Nhật, thông qua những chính sách kinh tế gán mác Abenomics.

Tại Canada, cuộc bầu cử ngày 19/10 tới với khả năng phe đối lập có thể chiến thắng đặt Thủ tướng Stephen Harper ở vào tình thế muốn giành lấy những thành quả từ TPP trước khi những người kế nhiệm "đánh đắm" nó.

Tác động về địa chính trị cũng là một trong những ý nghĩa nổi bật của TPP. Với Washington, hiệp định thương mại này là trọng tâm trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á của Mỹ, bởi nếu không đây không phải là một chiến lược thực chất, mà chỉ một tuyên bố ít trọng lượng.

Chính quyền Obama hiểu rõ rằng để tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo tại châu Á, họ không chỉ cần sức mạnh quân sự mà phải có khả năng định hình các thể chế xuyên Thái Bình Dương theo cách giúp đem lại hòa bình và thịnh vượng.

Theo nhà phân tích Mireya Solis từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, nếu Quốc hội Mỹ sắp tới không phê chuẩn TPP, đây sẽ là tổn thất lớn cho chiến lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương. Khi đó, những hoài nghi về sức mạnh của Mỹ sẽ một lần nữa trỗi dậy. Chính sách mang tính biểu tượng của Mỹ trong việc duy trì vị thế cầu nối thiết yếu tại khu vực kinh tế năng động bậc nhất thế giới sẽ chỉ là con số không tròn trĩnh.

Kế đó, liên minh Mỹ - Nhật có thể mất đi một trụ cột sống còn khi không có TPP, bà Solis nhận định. Trong quá khứ, thương mại luôn là đề tài gây tranh cãi giữa hai đồng minh này. Nếu thỏa thuận trên không được thông qua, nó cho thấy Washington và Tokyo không thể khắc phục những bất đồng quá khứ liên quan đến vấn đề tiếp cận thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp và ôtô, để tiến tới hợp tác trong các vấn đề như quốc tế hóa dịch vụ tài chính, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, và quản lý nền kinh tế Internet.

Triển khai TPP sẽ không chỉ giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ Mỹ - Nhật mà còn gắn kết những đối tác mới như Việt Nam với các đồng minh khu vực của Mỹ.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược tổng thể thách thức trật tự tại châu Á bằng cách tuyên bố chủ quyền với các vùng biển quốc tế trên Biển Đông và quảng bá cho các định chế kinh tế không có sự góp mặt của Mỹ.

Những định chế này bao gồm Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, Ngân hàng Phát triển Mới và Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" nhằm kết nối Trung Quốc với các thị trường tại Trung Đông và châu Âu thông qua phát triển hạ tầng.

Tầm nhìn của Mỹ về TPP không dừng lại ở hình thành đối trọng kinh tế với Trung Quốc. Thay vào đó, trước tiến triển chậm chạp của Vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu, TPP sẽ là trụ cột trong một quy chế thương mại tự do hơn, có thể tiếp nhận thêm các nền kinh tế khác về sau. Đề xuất để ngỏ khả năng kết nạp thêm thành viên của TPP còn giúp kích thích cải cách tại các nền kinh tế như Ấn Độ và Trung Quốc, những nước một ngày nào đó có khả năng sẽ muốn gia nhập TPP.

Nếu TPP không được triển khai, chương trình nghị sự thương mại ý nghĩa nhất 20 năm qua sẽ bị trì hoãn, kéo theo sự bế tắc của thương mại quốc tế, chuyên gia Solis đánh giá.

"Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện không còn phù hợp về mặt thể chế để thúc đẩy sự hợp tác sâu hơn về thương mại. Nếu một nhóm 12 quốc gia đã tự lựa chọn nhau để hợp tác vẫn không thể đi đến cùng với thỏa thuận này, liệu còn lựa chọn nào khả dĩ hơn", bà Solis bình luận. Thất bại đó rất có thể còn tác động tới cả các vòng đàm phán thương mại xuyên Đại Tây Dương và thỏa thuận thương mại Đông Á.

Đến nay, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Philippines đã bày tỏ sự quan tâm. Một khi TPP mở rộng, nó sẽ liên kết với các tổ chức thương mại khác, trong đó có Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương đang thành hình, và Liên minh Thái Bình Dương các nền kinh tế thị trường tự do Mỹ Latinh. Theo cách này, TPP sẽ cho ra đời một trật tự thương mại tự do liên vùng, kết nối các nền kinh tế Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Các nhà kinh tế Peter Petri và Michael Plummer nhận định một khi TPP mở rộng để trở thành Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương, lợi ích kinh tế nó đem lại sẽ lên tới gần 2.000 tỷ USD.

Bộ thương mại Mỹ ước tính, đến năm 2030, sẽ có gần 3 tỷ người tiêu dùng trung lưu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo thành một thị trường kết hợp lớn nhất thế giới. Do đó, TPP không phải đích đến cuối cùng mà là bệ phóng cho những thỏa thuận kinh tế tham vọng hơn, hoạch định tương lai của khu vực năng động nhất thế giới.

Theo Hoàng Nguyên

VnExpress