Tại vùng núi El Chaco của đất nước Nam Mỹ Ecuador, nơi dãy Andes hùng vĩ gặp rừng già Amazon, một công trường thủy điện khổng lồ đang hoạt động ngày đêm để kịp tiến độ. Với tổng trị giá 2,2 tỉ USD, dự án đập thủy điện mang tên Coca Codo Sinclair (CCS) sẽ sản xuất điện đủ cho 1/3 dân số Ecuador sử dụng. Toàn bộ 8 tuabin phát điện của công trình này, cũng như gần 1.000 công nhân và kỹ sư đang làm việc tại đây, đều đến từ Trung Quốc.
Ở công trường này, luôn có một bức tường vô hình tồn tại giữa các công nhân Ecuador và đội ngũ quản lý, kỹ sư đến từ Trung Quốc. Khi mọi người tại công trường kéo nhau đi ăn trưa, họ cũng tách hẳn làm hai nhóm khác nhau và cảnh này tiếp tục lặp lại vào giờ giải trí buổi tối.
Được thực hiện với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và nhà thầu chính là tập đoàn kỹ thuật Sinohydro cũng của Trung Quốc, dự án CCS ban đầu được dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề lớn đã phát sinh. Đầu năm ngoái, trong lúc đào một đường hầm quan trọng, một dàn khoan đã bị hỏng. Sang đến tháng 12, một tai nạn ngập hầm đã giết chết 11 công nhân Ecuador và 3 công nhân Trung Quốc.
Một rủi ro lớn khác là CCS nằm ngay tại một khu vực thường xuyên có địa chấn, cũng như nằm gần chân một ngọn núi lửa mới vừa phun trào đầu năm nay. Và nhiều người đang cảnh báo rằng một khi CCS hoàn tất thì cả một đoạn dài hơn 60 km của dòng sông Coca, bao gồm cả ngọn thác cao nhất Ecuador là thác Rafael, sẽ phải chịu cảnh khô hạn vài tháng mỗi năm, đe dọa xóa sổ cả một hệ sinh thái rộng lớn.
Một cựu Bộ trưởng Năng lượng của Ecuador là Fernando Santos cho biết: “Chúng tôi đều cho rằng việc xây dựng đập thủy điện tại khu vực này là quá nguy hiểm”.
Ecuador: Của nhận là của lo
Chỉ với vỏn vẹn 16 triệu dân và GDP bình quân đầu người là 6.000 USD, nền kinh tế Ecuador thường xuyên nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng của khu vực Nam Mỹ. Nhưng tại sao các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc lại đổ vào nước này một lượng tín dụng gần 11 tỷ USD?
Là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang tận dụng lượng dự trữ ngoại tệ gần 4.000 tỉ USD của mình để giành quyền kiểm soát các nguồn cung cấp dầu khắp thế giới, trong đó có Ecuador. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư 630 tỉ USD ra nước ngoài. Trong đó, 40% số vốn dành cho các dự án năng lượng, hoặc để mua lại cổ phần trong các công ty năng lượng nước ngoài. Danh sách các quốc gia sản xuất dầu khí mà Trung Quốc đã đầu tư vào trải khắp các châu lục như tại Cameroon, Canada, Kazakhstan, Iraq, Nigeria, Sudan, Mỹ, Venezuela…
Sau khi Tổng thống Rafael Correa của Ecuador từ chối tiếp tục thanh toán một khoản nợ 3,9 tỷ USD cho các chủ nợ phương Tây vào cuối năm 2008, các thị trường tín dụng quốc tế đã đóng cửa lại với nước này. Người Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ: tháng 8.2009, PetroChina của Trung Quốc cho công ty dầu khí quốc gia Petroecuador của Ecuador vay 1 tỷ USD. Trong vòng 1 năm sau đó, Trung Quốc liên tục đổ vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Ecuador. Đến năm 2013, các dự án này đã chiếm tới 57% tổng số vốn FDI ở Ecuador.
Những khoản vay từ Trung Quốc có thể được xem là những cái bẫy rất nhẹ nhàng, êm ái mà lại vô cùng nguy hiểm. Theo báo The Nation ước tính, những khoản vay này thường có mức lãi suất 8% và kỳ hạn thanh toán là 8 năm, so với lãi suất 1,24% và kỳ hạn 30 năm mà Ngân hàng Thế giới mới dành cho Ecuador hồi giữa năm ngoái.
Để đổi lấy những khoản vay này, Ecuador đã chấp nhận dành gần 90% lượng dầu xuất khẩu của nước này cho Trung Quốc. Hai công ty dầu khí nhà nước của Trung Quốc là PetroChina và Sinopec cũng đang chiếm 1/4 tổng sản lượng 560.000 thùng dầu mỗi ngày của Ecuador. Ngoài việc độc quyền thu mua hầu hết dầu của Ecuador, các công ty này còn tính phí từ 25-50 USD cho mỗi thùng dầu mà họ bơm lên.
Hiện tại, dầu mỏ đang đóng góp tới 40% nguồn thu ngân sách của Chính phủ Ecuador. Khi giá dầu sụt giảm mạnh xuống mức xấp xỉ 50 USD/thùng vào cuối năm ngoái, Ecuador đã lập tức rơi vào nguy cơ không có đủ tiền để trả nợ cho Trung Quốc. “Dĩ nhiên là chúng tôi có quan ngại về khả năng thanh toán của họ, nhưng điều cốt yếu nằm ở chỗ những nguồn tài nguyên như thế này là các tài sản rất quý giá”, Lin Boqiang, một chuyên gia kinh tế năng lượng của Trung Quốc, cho biết.
Đầu năm nay, Ecuador đã buộc phải vay thêm 7,5 tỷ USD từ Trung Quốc để đối phó với thâm hụt ngân sách và thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu (hầu hết là từ Trung Quốc).
Một khi không thanh toán được nợ đúng hạn cho Trung Quốc, cái giá phải trả là không rẻ. Một lãnh đạo ngân hàng Trung Quốc cho biết, họ thường sẽ kéo dài thời hạn thanh toán thay vì cấn trừ nợ gốc. Điều này có nghĩa là những nước như Ecuador sẽ tiếp tục lệ thuộc Trung Quốc về mặt xuất khẩu tài nguyên. Ngoài ra, trong vai trò là nước sản xuất lớn nhất trong rất nhiều ngành công nghiệp, Trung Quốc còn có thể trừng phạt bằng cách ngưng xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng sang các nước từ chối thanh toán nợ.
Ván bài lọc dầu
Gần thành phố cảng Manta của Ecuador, các công nhân đã hoàn tất việc san lấp mặt bằng hơn 800 ha cho dự án nhà máy lọc dầu Thái Bình Dương (RDP). Với chi phí khoảng 10 tỷ USD, đây là một dự án liên doanh giữa Ecuador và Tập đoàn PetroChina, với tham vọng biến Ecuador thành một quốc gia tầm cỡ trong ngành hóa dầu thế giới. Cho đến nay, Ecuador đã đầu tư 1 tỉ USD vào dự án này. Tuy nhiên, dự án vẫn còn đang chờ đợi các ngân hàng Trung Quốc chính thức đồng ý cho vay 7 tỷ USD.
Đối với Ecuador, RDP sẽ là một bước quan trọng giúp cho nước này bảo đảm tự cung tự cấp về mặt năng lượng. Đối với Trung Quốc, RDP sẽ giúp PetroChina cắt bớt công đoạn đưa dầu thô từ Ecuador sang các nhà máy lọc dầu tại Mỹ như hiện nay.
Trong khi các quan chức Trung Quốc vẫn khẳng định việc theo đuổi dự án thì xem ra PetroChina lại đang bắt đầu có dấu hiệu ngần ngại. Năm ngoái, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình mạnh tay thực hiện chiến dịch chống tham nhũng, PetroChina đã cắt giảm đáng kể ngân sách đầu tư ra nước ngoài. Sang năm nay, với việc giá dầu giảm mạnh, PetroChina lại cắt giảm tiếp 10%.
Một số chuyên gia năng lượng của Ecuador đã lên tiếng hoài nghi về tương lai của RDP. Theo họ, nếu muốn có đủ dầu thô để cung cấp cho nhà máy này thì Ecuador sẽ buộc phải mở rộng sản xuất khá nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường khai thác trong khu vực rừng Amazon. Đó sẽ là một bước đi rất mạo hiểm về mặt môi trường lẫn chính trị.
“Nếu không thể bảo đảm được việc gia tăng sản xuất dầu thì đây chỉ là một dự án “voi trắng”: đầu tư nhiều mà không hiệu quả”, ông Mauricio Crespo, cựu Bộ trưởng Kinh tế của Ecuador, nhận định.
Tại Manta, một chủ nhà hàng cũng đang có mối lo ngại tương tự. Luis Kwong Li, vốn là một người Ecuador gốc Hoa, đã dọn tới thành phố này hơn một năm nay để mở một nhà hàng Trung Hoa. Luis hy vọng nhà hàng này sẽ thu hút được các công nhân Trung Quốc tại dự án RDP tới thưởng thực món dim sum của anh. “Tổng thống Correa đã tạo nhiều kỳ vọng cho chúng tôi. Có lẽ dự án này sẽ vẫn được duy trì và có thể sẽ được khởi công trong 2 năm tới. Người Ecuador chúng tôi hy vọng nhà máy này sẽ tạo ra thật nhiều công ăn việc làm”, Luis cho biết. Tuy nhiên, cho đến đầu năm nay thì nhà hàng của Luis chỉ mới tiếp đón được 2 vị khách Trung Quốc.
Theo Tuấn Minh
Nhịp cầu Đầu tư
Nguồn:Nhịp Cầu Đầu Tư