Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên cứu thị trường chứng khoán. Trong lịch sử, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đã từng mua lại cổ phiếu, cắt giảm lãi suất để xốc lại tinh thần giới đầu tư và vực dậy thị trường. Tuy nhiên những động thái can thiệp của Trung Quốc trong 10 ngày gần đây khiến nước này trở nên dị biệt. Đó cũng là điều mà giới quan sát lo lắng.
Nguyên nhân chứng khoán Trung Quốc lao dốc là khá phức tạp, nhưng về cơ bản, sau khi rớt 30% trong vòng một tháng qua chỉ số chung vẫn ở mức tương đương hồi đầu năm. Giá trị thị trường lúc này vẫn cao hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy nhìn chung thị trường chứng khoán vẫn đang tăng trưởng, tuy rằng chậm và ổn định hơn. Những thị trường tài sản khác cũng đang có kết quả tốt. Bất động sản, sau một thời gian ảm đạm, cũng đang có dấu hiệu được cải thiện. Tuy vậy, việc điều chỉnh thị trường chứng khoán vốn đang bị thổi phồng lại khiến tình hình thêm tồi tệ.
Nếu những can thiệp của chính phủ Trung Quốc chỉ dừng lại ở việc cắt giảm lãi suất thì đây là một biện pháp hỗ trợ hợp lý. khi mà lạm phát nước này đang ở mức thấp. Thay vì vậy, Bắc Kinh lại áp dụng hàng loạt những biện pháp rất mạnh từ hoãn IPO, cho tới tung gói hỗ trợ thanh khoản nhằm mua lại các cổ phiếu blue-chip.
Chỉ số CSI 300 (nhóm các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường) đã rớt thêm 10% sau 7 phiên kể từ khi cắt giảm lãi suất. Chỉ số ChiNext (nhóm các doanh nghiệp nhỏ, tăng trưởng nhanh) rớt 25%.
Nhiều giả thiết đã được đưa ra nhằm giải thích cho hành động can thiệp mạnh tay của chính phủ. Lý do mà nhiều người đồng ý đó là Bắc Kinh có thể đã nhìn trước được nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế nước này và đang cố gắng giữ “vết thương” khỏi lan rộng. Câu chuyện này nghe có vẻ ly kỳ, song cũng không phải là không thể xảy ra.
Thực tế việc nhà đầu tư mất niềm tin cũng làm suy yếu đồng nhân dân tệ. Điều này đồng nghĩa với việc niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với đồng tiền này đang giảm. Việc tỷ giá đồng đôla so với các loại tiền tệ khác ở mức cao nhất trong 5 tuần qua thể hiện giới tài chính đang tìm kiếm một kênh an toàn hơn để dự trữ tài sản.
Nhà đầu tư cũng bắt đầu bán trái phiếu Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Theo Frank Huang, giao dịch viên tại SinoPac Securities tại Hong Kong (Trung Quốc) nhận định “Giới đầu tư đã mất niềm tin vào tín dụng Trung Quốc. Mọi thứ đang đi xuống. Những trái phiếu mang rủi ro càng cao thì lực bán ra càng mạnh”
Những nhà phân tích thuộc Société Générale lo ngại rằng những biện pháp của chính phủ sẽ khiến rủi ro không chỉ bó hẹp ở những hộ gia đình mà còn lan sang những định chế và thị trường quan trọng khác.
Thị trường hàng hóa cũng suy giảm theo đà suy thoái trên thị trường chứng khoán. Giá đồng trên thị trường quốc tế đã rớt thấp xuống mức kỷ lục trong 6 năm qua vào hôm thứ 3. Trong khi đó Trung Quốc chiếm 40% mức tiêu thụ của thế giới đối với nguyên liệu này.
|
Diễn biến thị trường Trung Quốc và giá cổ phiếu các doanh nghiệp nước này niêm yết tại Mỹ từ đầu năm đến nay. Nguồn: Fortune
|
Những bi quan đối với Trung Quốc làm cho giá dầu thế giới tiệm cận mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Giá dầu brent rớt 70% xuống mức 56 USD một thùng vào hôm qua.
Các công ty nước ngoài niêm yết trên sàn Thượng Hải cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn New York đều không thoát khỏi đà quy giảm. Chỉ số iShare Large-Cap ETF của doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc niêm yết tại NYSE bao gồm Alibaba đã rớt 10% kể từ đầu tháng 7. Giá trị vốn hóa của Alibaba cũng rớt xuống mức thấp nhất kể từ lúc lên sàn. Còn cổ phiếu hãng 500.com mất 40% kể từ giữa tháng 6.
Fortune nhận định những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc không chỉ gói gọn ở giá cổ phiếu. “Điều đó có thể là một dấu hiệu rằng nền kinh tế nước này đang ở tình trạng tồi tệ hơn chúng ta tưởng”, tờ báo này đánh giá.
Nguồn:VnExpress