menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường tài chính – hàng hóa thế giới tuần tới 4/7/2025

09:00 07/07/2025

Tuần qua, USD giảm so với các tiền tệ chủ chốt trong khi giá dầu, vàng, quặng sắt, cao su tăng.
 
• USD giảm tuần thứ 2 liên tiếp
Đồng USD giảm so với các tiền tệ chủ chốt trong phiên thứ Sáu (4/7), tính chung cả tuần giảm.
Phiên cuối tuần, USD giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đạo luật thuế và chi tiêu mang tên “Đạo luật lớn lao, đẹp đẽ” (One Big Beautiful Bill - OBBBA), một trụ cột trong chương trình nghị sự kinh tế của ông trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai.
Phiên liền trước, USD tăng sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến khiến thị trường dự đoán thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed sẽ bị đẩy lùi lại.
Tính chung cả tuần, Dollar index, so sánh USD với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt, giảm tuần thứ 2 liên tiếp.
"Nhu cầu đối với đồng USD đang giảm dần vì (1) lo ngại về nợ của Mỹ đang gia tăng và (2) nhu cầu đối với nợ của Mỹ đang gặp rủi ro", Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Swissquote Bank cho biết.
"Và cũng vì thực tế là tình hình thuế quan và gián đoạn thương mại sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Mỹ và Fed sẽ không nhất thiết có thể hỗ trợ nền kinh tế khi rủi ro lạm phát gia tăng".
Chỉ số USD đã có nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1973 khi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng thuế quan toàn diện và những thay đổi liên tục sau đó làm gia tăng mối lo ngại về nền kinh tế Mỹ và sự an toàn của trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Đồng tiền của Mỹ đã giảm hơn 6% kể từ ngày 2 tháng 4, thời điểm Mỹ công bố thuế quan đối với thế giới và đã chạm mức thấp nhất trong hơn ba năm so với đồng euro và bảng Anh vào đầu tuần vừa qua.Chỉ số USD phiên 4/7 giảm 0,1% xuống 96,92, sau khi tăng 0,4% vào thứ năm. Đồng euro tăng 0,2% lên 1,178 USD, tính chung cả tuần tăng 0,5%.
Yên tăng 0,4% lên 144,32 so với USD, trong khi franc Thụy Sĩ tăng 0,2% lên 0,793 CHF đổi một USD.
Thời hạn 90 ngày tạm dừng áp thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp kết thúc.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang hướng tới một thỏa thuận thương mại "về nguyên tắc" với Mỹ trước thời hạn. Nhật Bản, quốc gia gần đây là tâm điểm của những chỉ trích từ phía ông Trump, được cho là sẽ cử nhà đàm phán thương mại chính của mình đến Mỹ một lần nữa trước thời hạn 9/7.
Indonesia đã đề nghị cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu chính từ Mỹ xuống "gần bằng không" và mua 500 triệu USD lúa mì của Mỹ.
Ở nơi khác, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế lên tới 34,9% đối với rượu mạnh có nguồn gốc từ Liên minh châu Âu trong thời hạn năm năm bắt đầu từ ngày 5 tháng 7.
Để xoa dịu phần nào nỗi lo của các nhà đầu tư về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, báo cáo việc làm hôm thứ Năm cho thấy bảng lương phi nông nghiệp của nước này đã tăng 147.000 việc trong tháng 6/2025, tăng nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters (dự báo là tăng 110.000).
"Thị trường lao động Mỹ đang dần chậm lại, nhưng thực tế là thị trường này không trải qua sự thay đổi đột ngột là điều đáng an tâm", Hirofumi Suzuki, chiến lược gia tiền tệ trưởng của SMBC cho biết. "Cá nhân tôi dự đoán rằng các cuộc đàm phán về thuế quan sẽ không mấy thuận lợi, dẫn đến đồng USD tiếp tục suy yếu và đồng yên mạnh lên".
Theo công cụ Fedwatch của CME, thị trường kỳ vọng có 95,3% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tháng 7, tăng so với mức 76,2% vào ngày 2 tháng 7.
Các nhà kinh tế tiếp tục dự đoán Fed sẽ không bắt đầu cắt giảm lãi suất cho đến tháng 9 hoặc thậm chí muộn hơn.Cổ phiếu Mỹ giảm vào thứ Sáu. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,6%. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,5%, với các ngân hàng, cổ phiếu liên quan đến khai khoáng và các nhà bán lẻ nằm trong số những cổ phiếu giảm nhiều nhất.
Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã đóng cửa vào thứ Sáu để nghỉ lễ, nhưng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 4,7 điểm cơ bản (bps) lên 4,34%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng 9,3 bps lên 3,882%.
• Giá vàng tăng 1,9% trong tuần, bạch kim tăng tuần thứ 5 liên tiếp
Giá vàng phục hồi vào thứ Sáu, tính chung cả tuần cũng tăng do USD yếu đi và dòng tiền trú ẩn an toàn chảy vào thị trường vàng, khi thời hạn chót của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho các thỏa thuận thương mại đang đến gần.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,3% lên 3.336,39 USD/ounce; tính chung cả tuần tăng 1,9%. Giá vàng giao sau tăng 0,1% lên 3.346,60 USD.
"Nỗi lo ngại về tình hình tài chính ở Mỹ (sau khi dự luật cắt giảm thuế toàn diện của ông Trump được Quốc hội thông qua) và sự không chắc chắn kéo dài về thời hạn 9/7 sắp tới đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn", Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới ActivTrades cho biết.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 36,9 USD/ounce và palladium giảm 0,1% xuống 1.135,79 USD. Giá bạch kim tăng 1,5% lên 1.387,54 USD/ounce tăng tuần tăng thứ năm liên tiếp.
Trên thị trường châu Á, nhu cầu vàng vật chất tại các thị trường lớn vẫn ở mức thấp do giá tăng cao gây áp lực lên sự quan tâm của người tiêu dùng.• Giá dầu tăng trong tuần qua
• OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng vào tháng 8
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch thứ Sáu, khi thị trường hướng đến cuộc họp OPEC+ vào cuối tuần và khả năng các nước thành viên sẽ quyết định tăng sản lượng.
Giá dầu thô Brent kết thúc phiên giảm 50 US cent, tương đương 0,7%, xuống 68,30 USD/thùng trong khi giá dầu thô của Mỹ Dầu thô West Texas Intermediate giảm 50 US cent, hay 0,75%, xuống 66,50 USD. Hoạt động giao dịch thưa thớt do kỳ nghỉ lễ Độc lập của Mỹ.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 0,8% trong khi dầu WTI tăng khoảng 1,5%.
Tám quốc gia OPEC+ hôm 5/7 đã nhất trí tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày vào tháng 8. Mức tăng này là một bước nhảy vọt so với 411.000 thùng/ngày mà OPEC+ đã phê duyệt cho các tháng 5, 6 và 7, cũng như mức tăng 138.000 thùng/ngày trong tháng 4. OPEC+ cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố cơ bản của thị trường, bao gồm tồn kho dầu ở mức thấp, là những lý do để tăng cung dầu ra thị trường.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của nhóm Price Futures cho biết tuần qua các nhà đầu tư dường như đang ở chế độ chờ đợi và quan sát, sẵn sàng phản ứng với động thái của OPEC trong khi cũng theo dõi những tác động từ gói cắt giảm thuế và chi tiêu khổng lồ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giá dầu thô cũng chịu áp lực từ một báo cáo trên trang web tin tức Axios của Mỹ, trong đó cho biết Mỹ đang có kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran vào tuần này trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết Tehran vẫn cam kết tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Barclays đã tăng dự báo giá dầu Brent thêm 6 USD lên 72 USD/thùng năm 2025 và thêm 10 USD lên 70 USD/thùng năm 2026 do triển vọng nhu cầu được cải thiện.
• Giá quặng sắt tăng tuần thứ 2 liên tiếp
Giá đồng giảm vào thứ Sáu khi trọng tâm chú ý của thị trường chuyển sang thời hạn 9/7 khi thuế quan toàn diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hiệu lực đối với các quốc gia vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,9% xuống 9.866,50 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất ba tháng là 10.020,5 USD/tấn vào đầu tuần qua.
Về những kim loại khác, giá nhôm giảm 0,5% xuống 2.593 USD/tấn, kẽm giảm 0,9% xuống 2.724,50 USD, chì giảm 0,3% xuống 2.057 USD, thiếc giảm 0,3% xuống 33.700 USD và niken giảm 0,9% xuống 15.290 USD.
Lượng nhôm dự trữ tại các kho đăng ký với sàn LME đã tăng 27.025 tấn lên 363.925 tấn kể từ ngày 25 tháng 6.
Giá quặng sắt tiếp tục xu hướng tăng vào thứ Sáu, tính chung cả tuần tăng tuần thứ hai liên tiếp nhờ tâm lý thị trường được cải thiện sau.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 0,62% lên 732,5 nhân dân tệ (102,25 USD) một tấn.
Hợp đồng này đã tăng 3,08% trong tuần qua.
Giá quặng sắt kỳ hạn chuẩn tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,3% xuống còn 96,15 USD/tấn nhưng tính chung cả tuần tăng 1,93%.
Tổng lượng quặng sắt dự trữ trên khắp các cảng ở Trung Quốc tấn tính đến ngày 4 tháng 7đã giảm 0,15% so với tuần trước xuống còn 133,4 triệu, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome. Dữ liệu này cũng hỗ trợ một phần cho giá.
Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm một phần do kiểm soát sản xuất liên quan đến bảo vệ môi trường tại Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc, đã hạn chế tiềm năng tăng giá.
Sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày, thước đo nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc, đã giảm 0,6% so với tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19 tháng 4 là 2,41 triệu tấn tính đến ngày 3 tháng 7, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel.

• Giá cà phê giảm trong tuần, cao su tăng

Giá cà phê Robusta tăng vào thứ Sáu, hồi phục từ mức thấp nhất một năm trước đó một tuần.
Cà phê Robusta kết thúc phiên tăng 1,4%, đóng cửa ở mức 3.677 USD/tấn. Một tuần trước, giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm là 3.459 USD. Tính chung cả tuần, giá robusta giảm. Giá cà phê đã giảm trong năm nay, xóa bỏ một phần mức tăng mạnh trong năm 2024, với giá cà phê robusta tương lai giảm khoảng 26% kể từ cuối năm ngoái.
"Lý do quan trọng nhất dẫn đến đợt điều chỉnh giá đáng kể là kỳ vọng về nguồn cung cà phê tăng. Vụ thu hoạch cà phê đang diễn ra sôi nổi ở Brazil, quốc gia sản xuất lớn nhất cho đến nay", Commerzbank cho biết.
Nguồn cung cà phê toàn cầu có thể cải thiện trong ba năm tới khi các đồn điền mới được thúc đẩy bởi mức giá cao kỷ lục bắt đầu cho sản lượng, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế Vanusia Nogueira cho biết vào thứ năm tại một sự kiện ở Brazil.
Giá đường trắng giảm trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần tăng. Theo đó, đường trắng trên sàn London giảm 0,15% xuống còn 480,80 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đồng đô la yếu đã thúc đẩy thị trường trong ngắn hạn, nhưng các yếu tố cơ bản vẫn bi quan, một phần do triển vọng mùa màng ở Ấn Độ và Thái Lan được cải thiện với lượng mưa theo mùa dồi dào trong năm nay.
Liên minh châu Âu hôm thứ sáu đã đặt hạn ngạch nhập khẩu đường của Ukraine ở mức 100.000 tấn, tăng so với mức 20.000 tấn trước chiến tranh, nhưng giảm so với mức 400.000 tấn trong năm 2022/23 và hơn 500.000 tấn trong năm 2023/24.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng vào thứ Sáu, tính chung cả tuần tăng tuần thứ ba liên tiếp mặc dù thời tiết bất lợi ở Thái Lan và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nguồn cung, cũng như nhu cầu chậm chạp và lượng hàng tồn kho cao.
Hợp đồng cao su giao tháng 12 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) tăng 1,6 yên, hay 0,52%, lên 312,1 yên (2,16 USD)/kg; tính chung cả tuần tăng 0,77%.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 50 nhân dân tệ, hay 0,36%, xuống còn 14.005 nhân dân tệ (1.955,08 USD)/tấn trong phiên thứ Sáu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch SICOM (Singapore) giảm 0,4% xuống 163,2 US cent/kg.
Hợp đồng cao su butadien kỳ hạn tháng 8 trên sàn SHFE tăng 5 nhân dân tệ, tương đương 0,04%, lên 11.275 nhân dân tệ (1.573,97 USD)/tấn.
'Mùa Sanfu' của Trung Quốc, một thời kỳ nắng nóng dữ dội thường bắt đầu vào giữa tháng 7 và kéo dài đến cuối tháng 8, đã đến sớm bất thường trong năm nay ở miền đông nước này. Ngoài việc gây thiệt hại cho mùa màng và làm xói mòn thu nhập của nông dân, nhiệt độ tăng cao này cũng có thể ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất và cản trở hoạt động tại các thành phố cảng quan trọng.

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)