Đạt được thỏa thuận cứu trợ với EU, dù tránh được bi kịch phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro nhưng Hy Lạp vẫn còn phải đối mặt với nhiều trở ngại ở phía trước.
Năm 2015, Hy Lạp chắc chắn vẫn phải đối mặt với suy thoái do niềm tin kinh doanh giảm sút, hệ thống ngân hàng đóng băng trong 3 tuần và chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Nói cách khác, đây sẽ là năm thứ 7 kinh tế Hy Lạp rơi vào suy thoái trong vòng 8 năm qua.
Hai trong số nhiều yếu tố khiến kinh tế Hy Lạp tiếp tục gặp khó trong năm 2015 là việc kiểm soát vốn và các biện pháp khắc khổ.
Hậu quả từ việc kiểm soát vốn
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, kinh tế Hy Lạp đã giảm 26%. Ủy ban châu Âu ước tính, GDP Hy Lạp có thể sẽ giảm 4% trong năm 2015 và giảm 1,75% trong năm tiếp theo do các ngân hàng hạn chế rút tiền mặt trong suốt mùa du lịch quan trọng.
Hệ thống ngân hàng Hy Lạp hiện vẫn bị tê liệt sau khi chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn trong gần 3 tuần qua; nền kinh tế do vậy càng khốn khó hơn. Kể từ ngày 28/6, người dân Hy Lạp chỉ có thể rút 60 euro/ngày, khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng không có đủ tiền mặt để giao dịch hàng hóa và dịch vụ trong suốt mùa du lịch quan trọng. Một số dịch vụ công cộng thậm chí phải ngừng tiếp nhận khách hàng.
Công ty phân tích số liệu và dự báo toàn cầu Oxford Economics dự báo, GDP Hy Lạp có thể giảm 5% trong vòng 12 tháng tới nếu chính phủ không gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát vốn. Thậm chí, kinh tế Hy Lạp được cho là không thể tăng trưởng trở lại đến tận năm 2017.
Chính sách khắc khổ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, thị trường việc làm
Nhiều năm qua, Hy Lạp phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm kiểm soát hoạt động cho vay của chính phủ cũng như phục hồi sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đến năm 2014, Hy Lạp cho thấy một số dấu hiệu phục hồi khi GDP bắt đầu tăng trưởng.
Tuy nhiên sang nửa đầu năm 2015, Hy Lạp lại rơi vào cảnh bi đát hơn khi nợ nần chồng chất. Nếu chính phủ Hy Lạp tăng thuế hay thực hiện cải cách theo yêu cầu của chủ nợ, ít nhất trong ngắn hạn chi tiêu tiêu dùng có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Hiện nay, các nhà lập pháp Hy Lạp đã đồng ý tăng thuế tiêu thụ đối với các bữa ăn ở nhà hàng và nhiều sản phẩm khác.
Một hậu quả khác của việc tiếp nhận cứu trợ và chấp nhận chính sách khắc khổ là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Ví như thời điểm Hy Lạp nhận gói cứu trợ đầu tiên vào năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 15%. Con số này vọt lên 21% ngay trong năm tiếp theo. Năm 2012, Hy Lạp nhận gói cứu trợ thứ 2 trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp là 26% thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên 28%. Và nếu gói cứu trợ thứ 3 được thông qua trong năm nay, con số này có thể còn tiếp tục tăng cao hơn. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp hiện đang ở 25% và khoảng 50% đối với giới trẻ.
Theo chuyên gia kinh tế James Nixon, các biện pháp kiểm soát vốn và chính sách khắc khổ có vẻ như là "liều thuốc" cực độc đối với nền kinh tế Hy Lạp.
Sau khi Quốc hội thông qua dự luật cải cách khắc khổ sáng ngày 16/7, Hy Lạp đã bắt đầu tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để đổi lại gói cứu trợ thứ 3 trị giá gần 96 tỷ USD. Tất nhiên, gói cứu trợ mới này sẽ lại khiến "núi nợ" khổng lồ của Hy Lạp càng phình to hơn.
Gói cứu trợ thứ 3 là giải pháp khả thi cho Hy Lạp?
Phía châu Âu cho biết, mục đích của gói cứu trợ thứ 3 và những yêu cầu cải cách kèm theo là nhằm ổn định hệ thống tài chính Hy Lạp và giữ nước này ở lại khu vực đồng tiền chung euro.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại cảnh báo rằng, kế hoạch trên sẽ không khả thi nếu Hy Lạp không được giãn nợ. IMF dự đoán, núi nợ của Hy Lạp sẽ lên kỷ lục gần 200% so với GDP trong 2 năm tới. Hiện tại, tỷ lệ nợ/GDP của nước này đang ở 172%, cao hơn nhiều so với Mỹ (khoảng 88%) và Đức (53%).
Ông Nixon cho rằng, tăng cường hỗ trợ cho vay đối với một quốc gia vốn đã vô vọng về khả năng thanh toán không bao giờ là một giải pháp đúng đắn.
Rủi ro lớn hiện nay là, Hy Lạp sẽ không thể tạo ra đủ thặng dư ngân quỹ từ doanh thu thuế hay tăng trưởng kinh tế để trang trải nợ nần; và đồng nghĩa rằng, quốc gia này sẽ lại rơi vào khủng hoảng trong vài năm tới.
Nguyễn Dung
Theo CNN