Theo tín ngưỡng Trung Quốc, 8 là con số mang lại những điều tốt lành vì cách phát âm giống với một từ trong tiếng Trung có nghĩa là thịnh vượng. Còn trên thị trường Trung Quốc, tháng 8 vừa qua mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại khi chỉ số chính giảm 8%.
Sau hai ngày liên tiếp Shanghai Composite giảm gần 8%, tài sản của những người vẫn còn nắm giữ cổ phiếu đã giảm rất mạnh so với cuối tuần trước. Những cú rơi mạnh đã trở thành hiện tượng bình thường trên TTCK trong 2 tháng qua, nhưng những gì diễn ra trong 2 phiên đầu tuần là rất đáng chú ý.
Dù đã hồi phục và vượt qua được ngưỡng 3.000 điểm trong phiên hôm nay, chứng khoán Trung Quốc được cho là có nhiều khả năng sẽ giảm hơn nữa vì vẫn tăng khoảng 30% so với 1 năm trước và không phù hợp với thể trạng của nền kinh tế. Tuy nhiên, quay trở lại mức 2.000 – ngưỡng mà chứng khoán Trung Quốc đã “mắc kẹt” trong gần 5 năm trước, vẫn là một sự điều chỉnh đột ngột. Tất nhiên, Trung Quốc không phải là thị trường đầu tiên trên thế giới sụt giảm nhanh và mạnh đến vậy. Nhưng rất ít thị trường từng từ “đáy vực” đến “đỉnh núi” rồi lại quay trở lại với “đáy vực” chỉ trong 12 tháng như vậy.
Tuy nhiên, điều gây ấn tượng mạnh nhất trong lần lao dốc thẳng đứng này là sự phản ứng khá “im hơi lặng tiếng”. Hai nhóm trước đó đã hoảng loạn trước mỗi lần cổ phiếu Trung Quốc lao dốc lại gần như phớt lờ đợt lao dốc gần nhất.
Đầu tiên là các nhà quản lý Trung Quốc. Khi những cơn bán tháo xuất hiện lần đầu tiên trong tháng 6 và tháng 7, Chính phủ Trung Quốc đã “ném tiền” vào thị trường, cùng với đó là rất nhiều chương trình tuyên truyền và cả những vụ điều tra. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất là ngăn thị trường giảm điểm sâu hơn nữa. Mặc dù giá cổ phiếu, (đặc biệt là các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ) trước đó ở mức được coi là bong bóng và do đó một sự điều chỉnh giảm là cần thiết, Trung Quốc vẫn quyết định rằng hỗ trợ thị trường là một nhiệm vụ mang tính chính trị. Cơ quan quản lý đã đưa ra chính sách cấm bán khống và “đóng băng” hoạt động IPO. Các doanh nghiệp nhà nước tung tiền mua lại cổ phiếu quỹ. NHTW Trung Quốc (PBOC) bơm tiền cho một định chế được lập ra với nhiệm vụ giúp thị trường tăng điểm. “Chúng ta có các điều kiện, khả năng và niềm tin để bảo vệ sự ổn định của thị trường chứng khoán”, tờ Nhân dân nhật báo viết.
Nhưng cái giá mà Trung Quốc phải trả khá đắt. Chi phí để can thiệp vào thị trường đã bắt đầu tăng lên trong khi hiệu quả giảm sút. Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs ước tính Chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 140 tỷ USD) trong nỗ lực cứu thị trường.
Tuyên bố của các nhà môi giới trong nước rằng họ sẽ không bán cổ phiếu trước khi chỉ số Shanghai Composite quay trở lại mốc 4.500 điểm cho thấy những khó khăn trong việc vực dậy thị trường lớn như thế nào. Trong khi đó thay vì chờ phía môi giới, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã quyết định họ sẽ bán trước. Sau 2 phiên đầu tuần, chứng khoán trung Quốc đã phục hồi trở lại với mức tăng khoảng 5% mỗi phiên. Tuy nhiên, chốt tuần Shanghai Composite ở mức hơn 3.200 điểm, cách mốc 4.000 điểm khá xa.
Dường như sóng gió đã qua và thị trường đang bình lặng trở lại. Cách đây 10 ngày, cơ quan giám sát TTCK Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng can thiệp vào thị trường để đẩy tăng giá cổ phiếu. Đối với những người đã đặt cược ngược lại, đây là một quyết định mang tính tàn bạo vì giá cổ phiếu đã giảm 25% kể từ đó đến nay. Sau khi thể hiện sự hiểm lầm và thiếu tôn trọng đối với các lực đẩy trên thị trường, dường như cuối cùng Trung Quốc đã học được một bài học khá đau đớn.
Tuy nhiên hỗ trợ nền kinh tế là việc vẫn phải làm. Sau khi thị trường đóng cửa hôm 25/8, PBOC thông báo hạ lãi suất 25 điểm cơ bản đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Hiện lãi suất cho vay của Trung Quốc ở mức 4,6%, trong khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức 18%, có nghĩa là Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Thị trường đã dự báo được cả hai động thái này từ trước, nhưng chúng vẫn rất có ích vì giúp giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp và tạo thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Quan trọng hơn, tiền được bơm trực tiếp vào nền kinh tế thay vì chỉ nhắm đến TTCK.
Các nhà đầu tư bên ngoài Trung Quốc là nhóm còn lại khá vô cảm với hiện tượng chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Cuối tuần trước và đầu tuần này, các thị trường quốc tế có cùng nhịp điệu với thị trường Trung Quốc. Chứng khoán châu Âu và Mỹ đều giảm hơn 3% khi Trung Quốc đỏ lửa. Tiền tệ của các nước mới nổi và giá hàng hóa cũng vậy. Giá dầu thậm chí chạm mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi.
Đến phiên 25/8, Trung Quốc một mình một đường. Hầu hết các thị trường châu Á đều tăng điểm, cổ phiếu châu Âu cũng tăng hơn 2% trong những giờ đầu giao dịch. Cả giá hàng hóa cũng hồi phục.
Dù sau đó chứng khoán Trung Quốc đã bắt kịp thế giới, vẫn còn rất nhiều lý do để lo lắng về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tốc độ tăng trưởng đang suy giảm rõ rệt. Với đầu tư ngày càng giảm mạnh, nhu cầu hàng hóa từng rất lớn của nước này cũng bị ảnh hưởng, kéo theo tác động rất lớn đến các nước xuất khẩu hàng hóa trên toàn cầu.
Và, những phản ứng của Chính phủ Trung Quốc trước cơn bán tháo trên TTCK đã đặt lên rất nhiều nghi vấn về cam kết cải cách thị trường theo đúng nhu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, những lo lắng về triển vọng ngắn hạn của Trung Quốc dường như đang bị thổi phồng quá mức. Trung Quốc vẫn còn rất nhiều vũ khí để thúc đẩy tăng trưởng (giống như việc hạ lãi suất vừa qua). Trên TTCK Trung Quốc, giảm 8% không phải là đến mức đáng báo động!
Theo Thu Hương
Trí thức trẻ/Economist
Nguồn:Trí thức trẻ/Economist