menu search
Đóng menu
Đóng

​Tây Ban Nha ủng hộ, Đức chống đàm phán với Hi Lạp

20:48 06/07/2015

Thủ tướng Đức Angela Merkel được đánh giá là người có vai trò lớn trong việc quyết định tương lai của Hi Lạp - Ảnh: Reuters

Ngày 6-7, Tây Ban Nha cho biết Madrid sẵn sàng đàm phán về một gói cứu trợ mới dành cho Athens. Ngược lại, Đức thể hiện quan điểm cứng rắn khi tuyên bố không có cơ sở để đàm phán với Hi Lạp.
Theo AFP, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos khẳng định: “Athens có quyền đề nghị gói cứu trợ thứ ba. Chính quyền Tây Ban Nha sẵn sàng đàm phán. Đây là điều hết sức cần thiết nếu xét theo quan điểm của các thị trường”.

Ông Guindos nhấn mạnh Tây Ban Nha “hoàn toàn không trông đợi việc Hi Lạp rời khối đồng euro”.

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha cho rằng bộ ba chủ nợ của Hi Lạp là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã mắc nhiều sai lầm khi xử lý cuộc khủng hoảng Hi Lạp.

“Đã có những sai lầm từ phía bộ ba chủ nợ, nhưng rốt cuộc Hi Lạp cần phải cải cách, bởi đã có nhiều quốc gia phải làm như vậy và thoát khỏi khủng hoảng” - ông Guindos nhận định.

Ngược lại với Tây Ban Nha, chính phủ Đức tỏ thái độ cứng rắn khi tuyên bố hoàn toàn không có cơ sở để đàm phán với Hi Lạp về một gói cứu trợ mới hay giảm nợ sau cuộc trưng cầu dân ý hôm qua.

“Do quyết định của người dân Hi Lạp, chúng tôi không thấy có cơ sở để đàm phán về một chương trình cứu trợ mới” - người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết. Người phát ngôn Bộ Tài chính Đức Martin Jaeger cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Skip in 7...Advertisement in 14 seconds

Theo tạp chí Politico, các nhà quan sát quốc tế nhận định Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là chủ nợ lớn nhất của Hi Lạp, sẽ quyết định số phận của Athens. Ước tính Hi Lạp nợ Đức khoảng 57 tỷ euro. Các ngân hàng Đức cũng nắm giữ một số lượng lớn trái phiếu chính phủ Hi Lạp.

Các khảo sát gần đây cho thấy dư luận Đức rất bức xúc với việc nước này cho Hi Lạp vay quá nhiều. Nhìn chung người dân Đức đánh giá chính phủ Hi Lạp phải chịu trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể mở cửa để Hi Lạp nhận một khoản cứu trợ mới. Nhưng bà sẽ cần sự đồng thuận của Quốc hội Đức. Giới quan sát cảnh báo quyết định đó có thể thổi bùng làn sóng phản đối của dư luận Đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín trong nước của bà Merkel.

Một gói cứu trợ mới chắc chắn cũng đồng nghĩa với việc châu Âu phải tính đến chuyện xóa một phần nợ cho Hi Lạp. Đây là điều chính phủ và dư luận Đức luôn phản đối. Bà Merkel sẽ rất khó giải thích với cử tri Đức tại sao tiền thuế họ đóng lại trở thành “quà biếu không” cho Hi Lạp.

Nhưng sự lựa chọn còn lại của bà Merkel cũng cực kỳ khó khăn. Nếu để Hi Lạp rời khối đồng euro, bà Merkel sẽ phải đối mặt với cơn bão chỉ trích rằng chương trình thắt lưng buộc bụng mà Đức “kê toa” cho các nền kinh tế yếu kém của châu Âu đã thất bại. Đồng thời, cũng sẽ có không ít ý kiến lo ngại về vai trò ngày càng quá lớn của Đức ở châu Âu.

AFP đưa tin mới đây, bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro cho biết họ đang chờ đợi các đề xuất cải cách mới từ chính quyền Hi Lạp. Nhóm bộ trưởng sẽ họp ở Brussels (Bỉ) vào ngày mai để thảo luận cuộc khủng hoảng Hi Lạp. Sau đó nguyên thủ các nước khối đồng euro sẽ họp khẩn để quyết định bước đi kế tiếp.
Theo Sơn Hà
Tuổi trẻ

Nguồn:Tuổi trẻ