JPMorgan Chase & Co. cho biết, dòng vốn bị rút khỏi các nước đang phát triển đã lên tới 120 tỷ USD trong quý II/2015 - mức lớn nhất kể từ năm 2009. Xu hướng này trái ngược với quý I/2015 khi giới đầu tư đổ 80 tỷ USD vào khối thị trường này, theo số liệu của nhóm chuyên gia phân tích mà dẫn đầu là Nikolaos Panigirtzoglou.
Trung Quốc là thị trường bị rút vốn mạnh nhất trong thời gian gần đây do lo ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, giới đầu tư rút 142 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc chỉ trong quý II/2015 và tổng 520 tỷ USD trong vòng 5 quý gần đây. Như vậy, toàn bộ số vốn đổ vào Trung Quốc kể từ năm 2011 - thời điểm nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại - đã bị "xóa sổ", theo nhận định của nhóm chuyên gia phân tích.
Vốn ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường mới nổi chủ yếu do các nền kinh tế này có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước phát triển tăng mạnh, buộc ngân hàng trung ương tại các nước mới nổi phải bán một số trái phiếu của Mỹ, Đức,... trong dự trữ ngoại hối để bù lại số vốn bị rút, theo JPMorgan.
Ông Panigirtzoglou cũng cho biết, xu hướng bán tháo mạnh tài sản của các nước mới nổi trong khoảng 2 tháng qua một lần nữa dấy lên câu hỏi về việc tạo lập dòng tín dụng và dòng chảy vốn. Theo ông, lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước phát triển tăng điểm trong quý II/2015 là một sự nhắc nhở về tầm quan trọng của công tác quản lý dự trữ ngoại hối khi điều phối những thị trường trái phiếu chủ chốt.
Nguyễn Dung
Theo Bloomberg