menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc đã không lường hết đà suy giảm của thị trường chứng khoán

19:55 13/07/2015

Vinanet - Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng đã được các nhà đầu tư cảnh báo từ rất sớm nhưng phản ứng của Trung Quốc lại khá chậm chạp.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 1/3 điểm số trong vòng 1 tháng trở lại đây, kéo theo đó là hơn 1.400 doanh nghiệp đã tạm ngừng giao dịch trên các sàn chứng khoán ở Trung Quốc đại lục, khiến khoảng 50% thị trường bị “đóng băng”.

Đây là sự sụt giảm nghiêm trọng nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 1992 trở lại đây.

Trao đổi với phóng viên, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc không phải là đột ngột, điều này đã được cảnh báo từ rất sớm.

"Đầu tháng 5 đã có hàng loạt bài viết đánh giá mức độ phát triển "quá nóng" của thị trường chứng khoán Trung Quốc sau 1 năm. Họ đã cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng với sự phát triển  "nóng" này. Bản thân các nhà đầu tư nổi tiếng của thế giới cũng đã có sự cảnh báo về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc", ông Phạm Sỹ Thành cho biết.

Như vậy, từ khi các tín hiệu cảnh báo được phát đi cho đến khi xảy ra sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, các nhà quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc, đặc biệt là Ủy ban Giám sát quản lý chứng khoán quốc gia đã có 1,5 tháng để tìm ra những công cụ ngăn chặn sự sụt giảm.

Tuy nhiên theo đánh giá của TS Phạm Sỹ Thành, diễn biến của thị trường cho thấy rõ ràng nhà quản lý đã không lường hết được đà suy giảm này.

"Có lẽ một phần vì sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc và thị trường chứng khoán", ông Thành lý giải. "Chúng ta biết rằng liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6, để hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất liên tục, tạo ra lượng thanh khoản cũng như luồng vốn rất lớn, khiến cho bong bóng thị trường chứng khoán Trung Quốc phát triển quá “nóng” và đến ngưỡng của các nhà đầu tư. Do đó hành động bán ra ồ ạt đã xảy ra như chúng ta biết".

Chuyên gia của VEPR cũng cảm thấy "bất ngờ" và "ngạc nhiên" vì phản ứng của Chính phủ Trung Quốc với sự điều chỉnh giá trên thị trường chứng khoán. "Bên cạnh sự hoảng loạn trên thị trường của nhà đầu tư, các biện pháp hỗ trợ thị trường và điều tiết của chính phủ Trung Quốc tương đối mất bình tĩnh" - ông Thành nói.

Sự điều hành của Ủy ban Giám sát quản lí chứng khoán quốc gia cũng như các nhà quản lý kinh tế Trung Quốc cũng khiến vị chuyên gia này ngạc nhiên. "Họ ứng xử với sự điều chỉnh giá trên thị trường chứng khoán như thể một cuộc khủng hoảng toàn diện của kinh tế Trung Quốc. Đó là điều làm cho hiệu ứng hoang mang mạnh hơn", chuyên gia về kinh tế Trung Quốc nhìn nhận.

Vậy tác động của sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam thế nào? TS Phạm Sỹ Thành cho rằng mức độ tác động là không lớn vì sự liên thông giữa thị trường tài chính tiền tệ Trung Quốc với bên ngoài không cao.

Còn với Việt Nam, biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng không tác động trực tiếp và không tác động lớn đến kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Nhưng trong dài hạn, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không khởi sắc, điều đó sẽ có tác động lan tỏa đến kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn của Việt Nam, tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, kể cả hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Phạm Hà Nam