menu search
Đóng menu
Đóng

Cập nhật diễn biến vụ sập nhà cổ 109 Trần Hưng Đạo: 1 người tử vong

14:57 22/09/2015

Toàn cảnh ngôi nhà bị sập

Vinanet - Căn nhà cổ ở số 109 Trần Hưng Đạo đổ sập lúc 12h45 ngày 22/9. Đã có 1 người tử vong, 3 người bị thương nặng.
Ngôi nhà 2 tầng do Pháp xây dựng nằm trong ngõ 107 Trần Hưng Đạo đổ sập tầng 2 vào lúc 12h45 ngày 22/9/2015.

Đến 14h26 ngày 22/9/2015, tại hiện trường đã có lực lượng quân đội, công an, phòng cháy chữa cháy, cứu thương để thực hiện công tác giải cứu những người bị mắc kẹt.

Đã có một số nạn nhân được đưa ra từ đống đổ nát và đưa đến bệnh viện Việt Đức để cấp cứu. Theo nguồn tin của Vinanet, hiện đã xác định được tình trạng của một số nạn nhân.

Trong đó, có một người tử vong là nạn nhân Lê Thị Hường, bán rau tại tầng một của ngôi nhà. Hiện chưa rõ địa chỉ thường trú của nạn nhân.

Hai nạn nhân bị thương nặng là bà Nguyễn Thị Tiêu (SN 1951) bị tường đổ vào người gây chấn thương sọ não và bà Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1978), trú tại 107 Trần Hưng Đạo chấn thương sọ não, vỡ xương chậu.

Ngoài ra còn hai nạn nhân bị thương tích ở chân là ông Nguyễn Văn Nức (SN 1971, Văn Lâm, Hưng Yên) và anh Tào Thị Hiện (SN 1965, Thanh Oai, Hà Nội).

Lực lượng quân đội, công an, phòng cháy chữa cháy đưa đất đá khỏi hiện trường - Ảnh: Zing

 

15h25: Theo Zing, tại hiện trường vụ sập nhà, công ty môi trường đô thị đã điều thêm nhiều xe chở rác để chuyên chở phế liệu từ ngôi nhà ra khỏi hiện trường. Nhiều xe máy bị đè nát đã được di chuyển khỏi khu vực.

15h50: Theo báo cáo nhanh của UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ngôi nhà bị sập tại 107 phố Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Tổng cục Đường sắt Việt Nam, đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực I quản lý có 35 cán bộ làm việc. Tòa nhà xây từ thời Pháp và có 3 khối. Khối bị sập là Hội trường được xây kiểu hình mái vòm, độ cao gần 3 tầng, diện tích khoảng 300 m2. Hai bên Hội trường có hành lang lửng bố trí nơi làm việc của cán bộ nhân viên. 

Thời gian sập nhà diễn ra vào buổi trưa, trước khi sập đổ có rung lắc nên Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 đã kịp thời sơ tán toàn bộ cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, giáp 2 bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Nên khi xảy ra sập nhà, một phần gạch ngói của công trình đã đổ tràn sang 2 bên lối đi, dẫn đến làm một số người bị thương và hư hỏng một số tài sản.

 

Ảnh: Zing


Báo An ninh Thủ đô dẫn lời ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc trụ sở làm việc của Ban quản lý đường sắt 1. Tòa nhà được VNR ký hợp đồng thuê của UBND TP Hà Nội từ năm 1966, nhưng đã sử dụng từ trước đó.

Trong quá trình sử dụng, VNR đã phát hiện có dấu hiệu bị dột, thấm nước, bong tróc trần nhà. VNR cũng đã gia cố trần nhà, chống thấm dột. 

"Nhưng, tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo là biệt thự cổ, thuộc diện bảo tồn, muốn cải tạo, sửa chữa phải xin phép. Trong quá trình sử dụng chúng tôi cũng không thấy có hiện tượng lún, nứt", ông Hoạch nhìn nhận.

15h55: Một cán bộ ở Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 cho biết, lúc 12h30, khi anh đang làm việc tại ngôi nhà thì may mắn có một nhân viên phát hiện cột trụ bị tróc vữa và sập xuống, người này đã hô hoán mọi người tháo chạy. 

"Chúng tôi ra khỏi nhà chỉ 5 phút thì toàn bộ mái sập xuống. Khả năng cột nhà bị ải lâu ngày nên tự tách gạch ra và gãy. Các cột này đã bị hư hỏng từ lâu song không được cải tạo. Công trình này có thể thuộc diện phải bảo tồn", vị cán bộ Ban dự án đường sắt cho biết.

16h15: Theo Zing: Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) dự đoán nguyên nhân sập nhà do mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm thấm dột, đồng thời  do ngôi nhà quá cũ nên đã bị sập phần mái và tường tầng 2. Khung nhà tầng 1 vẫn còn nguyên vẹn.

 

Ảnh: VnExpress


16h15: Theo Báo Xây dựng, chiều 22/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và các chuyên gia Cục Giám định Nhà nước về chất lượng Công trình xây dựng đã có mặt tại hiện trường tham gia chỉ đạo và kiểm tra việc cứu nạn. Theo Thứ trưởng Hùng, hướng giải quyết sắp tới là tiếp tục đào bới và đưa những người bị thương ra ngoài. Thứ 2 là khoanh vùng và hạn chế cấm đi lại trong tầm ảnh hưởng của biệt thự. Thứ 3 là tháo dỡ phần đổ vỡ. Thứ 4 là kiểm định lại các kết cấu còn lại.

16h35: Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay, hiện chưa thể xác định nguyên nhân khiến tòa nhà Pháp cổ 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị sập đổ. “Thông tin ban đầu mà tôi nhận được là có hiện tượng sập mái vòm của tòa nhà, sau khi sập, các mảnh vỡ văng ra các nhà bên cạnh, gây thương vong”, ông Hùng nói.

16h45: Hiện tại công tác đưa đất đá ra khỏi tòa nhà vẫn đang được thực hiện. 

 

Thứ trưởng Lê Quang Hùng kiểm tra hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: VnExpress

 

Đỗ Phong
Tổng hợp

Nguồn:Tổng hợp