menu search
Đóng menu
Đóng

Mua nhà nhưng chưa ký được hợp đồng

07:28 21/09/2015

Nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ để người nước ngoài dễ dàng mua nhà tại Việt Nam. Trong ảnh: Người nước ngoài tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH

Doanh nghiệp rất mong mỏi sớm có hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc để Việt kiều và người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam được dễ dàng hơn.
Gần 3 tháng kể từ khi Luật Nhà ở sửa đổi 2014 có hiệu lực, trong đó cho phép Việt kiều, người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam nhưng có rất ít trường hợp mua được nhà vì vướng rắc rối trong thủ tục và các quy định của luật.

Rào cản người nước ngoài mua nhà

Giáo sư Paul, người Pháp (45 tuổi) - công tác tại Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế, thuộc ĐHQG TP HCM - đã sinh sống tại Việt Nam được 5 năm. Hiện tại, ông cùng vợ và con đang thuê nhà tại khu Thảo Điền, quận 2. Tiền thuê nhà lên tới 1.500 USD/tháng. Khi có quy định cho phép người nước ngoài mua nhà, gia đình ông quyết định chọn mua một căn biệt thự của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) với giá khoảng 700 USD/m2, lợi hơn thuê nhà rất nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giáo sư Paul vẫn chưa thể ký hợp đồng mua nhà mà chỉ đặt cọc để chờ luật hướng dẫn.

Giáo sư Paul cho biết dù ông rất quan tâm và mong muốn mua nhà tại TP HCM nhưng pháp luật Việt Nam quá rối rắm. Khi mua nhà, ông phải tốn phí để thuê luật sư tư vấn. Chưa kể, ông mong muốn được sở hữu nhà vĩnh viễn hoặc dài lâu nhưng theo quy định thì chỉ được sở hữu tài sản trong 50 năm. “Quan trọng nữa là tôi không muốn hợp đồng mua bán bằng tiếng Việt đơn thuần mà phải bằng tiếng Anh hoặc song ngữ để khi có tranh chấp có thể thông qua tòa án quốc tế xét xử. Ngoài ra, nhiều bạn bè của tôi muốn vay tiền để mua nhà nhưng không ngân hàng nào tại Việt Nam chấp nhận” -  ông Paul nói.

Theo bà Võ Thị Dịu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Sacomreal, đến thời điểm này, các cơ quan quản lý vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cũng như chưa có hợp đồng mẫu quy định chi tiết về cách thức bán nhà cho người nước ngoài nên hầu hết doanh nghiệp đều phải chờ. Mặt khác, các vấn đề pháp lý, quy định về thời gian sở hữu, cách thức chuyển nhượng, mua bán khi người nước ngoài mua nhà cũng còn nhiều mập mờ, chưa rõ ràng. “Chính vì những vướng mắc này mà dự án biệt thự nghỉ dưỡng Jamona Home Resort của Sacomreal sau 2 tháng mở bán đã có khách mua 216 nền. Trong đó, 22 nền biệt thự được bán cho khách nước ngoài và Việt kiều nhưng công ty chỉ mới cho khách hàng đặt tiền giữ chỗ, chứ chưa ký được hợp đồng vì còn chờ hướng dẫn” - bà Hiền chia sẻ.

Tương tự, Tập đoàn Novaland cho biết đã có trên 120 khách hàng là Việt kiều, người nước ngoài mua các căn hộ dự án của công ty nhưng đến nay cũng chỉ mới làm hợp đồng đặt cọc.

Luật bao giờ cũng có độ trễ

Nói về sự chậm trễ của thông tư hướng dẫn, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết nghị định, thông tư hướng dẫn luật bao giờ cũng có độ trễ. Từ khi luật có hiệu lực đến nay, đã có gần 10 trường hợp người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà tại Việt Nam và hiện có khoảng 500 Việt kiều đang chờ hướng dẫn để thực hiện đăng ký sở hữu nhà. “Trong tháng 9 này sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn để các đối tượng người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà nhanh chóng” - ông Khởi thông tin.

Ông Tạ Nguyên Ngọc - Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài - cho rằng Luật Nhà ở 2014 đã tạo điều kiện thông thoáng về cơ bản để người Việt định cư ở nước ngoài chỉ cần nhập cảnh Việt Nam là có thể được sở hữu nhà ở và nhận quyền sử dụng đất ở như người trong nước. Đến nay, chưa có trường hợp nào phản ánh về bất cập trong thủ tục mua nhà. Cũng theo ông Ngọc, thị trường bất động sản ở Việt Nam hiện không còn bị tác động bởi lượng kiều bào mua nhà do số đông những người có nhu cầu đã mua từ trước. Nay chỉ có nhu cầu hợp thức hóa, đứng tên. Vấn đề hiện nay là giá bất động sản bị đẩy lên quá cao, ít sinh lời, nhiều rủi ro và vượt quá khả năng của kiều bào.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cần thống nhất hướng dẫn tổ chức cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; cũng như thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở. Đồng thời, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Xây dựng cần thống nhất cấp thị thực với thời hạn từ 1-3 năm; cho phép Việt kiều và người nước ngoài được xuất nhập cảnh nhiều lần, phù hợp với thông lệ quốc tế để họ yên tâm mua nhà, đất tại Việt Nam.

 

Ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp - ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài:

Không khó để sở hữu nhà

Về thủ tục để sở hữu nhà tại Việt Nam, kiều bào định cư ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam chỉ cần xuất trình giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam (hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam) kèm chứng minh được phép nhập cảnh (có dấu nhập cảnh Việt Nam) là được mua nhà. Còn với đối tượng là người gốc Việt nhưng không còn quốc tịch Việt Nam thì cần có giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam kèm theo hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (có dấu nhập cảnh vào Việt Nam) cũng được mua nhà. Nếu không có giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam, kiều bào chỉ được sở hữu nhà ở như người nước ngoài (chỉ để ở, không dùng vào mục đích khác, thời hạn sở hữu 50 năm...).

Một số quy định về hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc cũng đã tính đến việc người Việt định cư bị thất lạc giấy tờ hoặc không sinh trưởng ở Việt Nam nên ngoài các giấy tờ chứng minh quốc tịch gốc Việt Nam hoặc có huyết thống còn có thể sử dụng giấy tờ bảo lãnh ghi xác nhận có gốc Việt Nam của Hội đoàn người Việt Nam, bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam... là được.

Ông Trương Đình Long, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB):

Lo khó đòi nợ

Theo quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, cá nhân là người nước ngoài vẫn vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng rất khó xác định người nước ngoài có thể trả được khoản nợ trong thời gian quy định hay không. Nếu khoản vay quá hạn và khách hàng đã về nước thì việc xử lý tài sản bảo đảm cũng là một vấn đề cần xem xét. Việc thẩm định mức độ tín nhiệm của khách hàng thông qua các cơ quan trung gian khác gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các ngân hàng có quan điểm khác nhau khi cho vay đối tượng này và phần lớn còn khá e ngại khi chưa có một hướng dẫn rõ ràng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn về điều kiện vay vốn cụ thể hơn cũng như ban hành những quy định về xử lý rủi ro khi người vay vốn không còn cư trú ở Việt Nam như xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ...

Giáo sư Paul, người Pháp (45 tuổi) - công tác tại khoa Công nghệ sinh học trường Đại Học Quốc Tế, ĐHQG TP HCM:

Nơi ở phải an toàn và biệt lập

Yếu tố quan trọng nhất khi tôi và gia đình quyết định mua nhà là nơi đó phải an ninh tuyệt đối, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện với các tiện ích có thể đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình. Tôi muốn nơi mình sống phải tuyệt đối biệt lập và yên tĩnh. Thêm nữa là nơi ở phải thuận lợi cho việc đi làm, có trường quốc tế thuận lợi cho các con tôi học các chương trình như học ở Pháp... Chưa kể, kiến trúc không gian tại nơi sinh sống phải làm sao để tôi có thể tự hào khi ở và giới thiệu với bạn bè. Ngoài ra, cây xanh, con người và thiên nhiên cùng chung sống hài hòa trên mối quan hệ tương hỗ. Cuối cùng, căn hộ cần có giá cả hợp lý.


 
Theo Phạm Đình
Người lao động

Nguồn:Người lao động