Thị trường ngô một lần nữa bước vào tính chu kỳ khi tạo đỉnh vào giữa mùa hè năm nay khi lo ngại gia tăng do khô hạn kéo dài tại Mỹ. Tuy nhiên, khi thời tiết có dấu hiệu chuyển biến và cải thiện, giá ngô đã nhanh chóng đảo chiều và hiệ nđã ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, thị trường cũng đã từng ghi nhận các đợt hồi phục hoặc đảo chiều mạnh vào quý IV hàng năm. Triển vọng mùa vụ tại Nam Mỹ thường là nguyên nhân chính lý giải cho những biến động của giá ngô trong giai đoạn này. Năm nay, với sự xuất hiện của mô hình El Nino trái với khô hạn do La Nina trong 3 năm qua, rủi ro với ngô tại Argentina và Brazil sẽ thấp hơn và kéo theo động lực tăng giá của ngô trong vài tháng tới cũng sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là yếu tố mà thị trường cần quan tâm trong thời gian tới để xác định xu hướng giá ngô.
Bên cạnh đó, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Mexico liên quan đến ngô GMO sắp leo thang khi Mỹ sẽ yêu cầu thành lập một hội đồng giải quyết tranh chấp để quyết định xem lệnh cấm sắp tới của Mexico đối với ngô GMO có bất kỳ giá trị nào hay không. Mexico vẫn luôn là đối tác thương mại hàng đầu với nhóm nông sản Mỹ nên đây sẽ là yếu tố tạo sức ép tới giá trong vài phiên tới.
Áp lực kĩ thuật từ vùng kháng cự tâm lí 500 cùng với các yếu tố cơ bản thiên về tác động “bearish” có thể sẽ là những nguyên nhân khiến cho giá ngô suy yếu. Theo đánh giá của chúng tôi, giá có khả năng sẽ hướng xuống vùng hỗ trợ 470 trong phiên hôm nay.
Giá cà phê có thể tiếp tục chịu áp lực từ việc nguồn cung tích cực tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/08, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Giá Arabica hợp đồng tháng 12 nối dài đà giảm sang phiên thứ 7 liên tiếp, đẩy giá hiện tại về mức thấp nhất trong 07 tháng. Xuất khẩu cà phê tiếp tục được đẩy mạnh tại Brazil khiến thị trường an tâm hơn về nguồn cung, từ đó gây áp lực lên diễn biến giá. Trái lại, giá Robusta quay đầu khởi sắc sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó khi lo ngại từ vấn đề thiếu hụt nguồn cung tại Việt Nam và Indonesia vẫn ảnh hưởng đến giá.
Hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Brazil dữ liệu xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại Honduras đang góp phần kéo dữ liệu tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đi lên. Sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn 9 tháng, tổng lượng cà phê lưu trữ tại các cảng của Sở ICE đang cải thiện dần. Tính đến hết phiên giao dịch 17/08, tồn kho Arabica ở mức 514.909 bao loại 60kg, tăng 1.169 bao so với mức thấp nhất trước đó vào ngày 15/08. Theo dữ kiện lịch sử, Brazil thường có xu hướng gia tăng lượng cà phê xuất khẩu khi hoạt động thu hoạch cà phê kết thúc vào tháng 08. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung sẽ trở nên sẵn có hơn trên thị trường, từ đó tiếp tục tạo nên những áp lực lên giá Arabica.
Bên cạnh đấy, việc triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil và các quốc gia sản xuất cà phê Arabica hàng đầu thế giới khác cũng góp phần tạo nên những áp lực đối với giá cà phê. Theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, cán cân cung cầu cà phê niên vụ 2023/24 sẽ thặng dư hơn 4 triệu bao loại 60kg với sự gia tăng nguồn cung từ các quốc gia sản xuất Arabica chính như Brazil, Colombia. Cụ thể, USDA cho biết, sản lượng Arabica niên vụ hiện tại vào khoảng 44,7 triệu bao, tăng gần 5 triệu bao so với niên vụ 2022/23, sản lượng tại Colombia cũng hồi phục về 11,6 triệu bao so với mức thấp kỷ lục trong niên vụ trước. Sản lượng cao hơn sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu cà phê của nông dân, từ đó đảm bảo nguồn cung trên thị trường.
Giá đồng có thể giằng co do thông tin cơ bản trái chiều
Giá đồng tăng nhẹ trong phiên sáng, chủ yếu được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung. Lượng hàng tồn kho đồng ngoại quan của Trung Quốc ở mức 57.399 tấn vào ngày 11/08, tương đương giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của trang tin Shanghai Metals Market (SMM).
Hơn nữa, kể từ khi đạt được mức tồn kho cao kỷ lục vào đầu tháng 3 năm nay, với hơn 140.000 tấn, hiện tồn kho đồng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm xuống còn 20.413 tấn. Mức tồn kho thấp khiến một số nhà đầu tư lo ngại nếu nhu cầu của Trung Quốc phục hồi nhanh, kết hợp với những rủi ro nguồn cung đồng toàn cầu, có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và thúc đẩy các nhà đầu tư mở vị thế mua.
Tuy nhiên, theo SMM, các thương nhân và nhà sản xuất cho biết thị trường vẫn có đủ lượng đồng cần thiết cho sản xuất. Hơn nữa, với việc nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế chậm lại, nguồn cung có thể không bị thắt chặt sớm. Do vậy, giá đồng có thể tiếp tục biến động trong biên độ hẹp, chờ đợi những động thái kích thích mới từ Chính phủ Trung Quốc, do đây đang là yếu tố chính hỗ trợ cho giá đồng.
Hiện các chuyên gia trên thị trường đang kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong tuần tới, nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng và vực dậy lĩnh vực bất động sản đang ốm yếu.
Cụ thể, theo một cuộc khảo sát của Reuters với 35 nhà kinh tế, có 19 người, tương đương 54%, dự đoán PBOC sẽ cắt giảm 15 điểm cơ bản đối với LPR 1 năm xuống còn 3,40%, từ mức 3,55% hiện tại. 16 người tham gia còn lại dự báo mức giảm khiêm tốn 10 điểm cơ bản.
Ngoài ra, 33 người, hay 94% trong số những người tham gia khảo sát, dự đoán LPR 5 năm, đóng vai trò là lãi suất tham chiếu thế chấp, sẽ được cắt giảm ít nhất 15 điểm cơ bản. LPR 5 năm hiện ở mức 4,20%.
Bên cạnh đó, những người tham gia khảo sát cũng kỳ vọng PBOC sẽ sớm cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR).
Nếu những kỳ vọng này được xác nhận, giá đồng có thể phục hồi trong tuần tới do tâm lý thị trường được củng cố cùng với triển vọng kinh tế Trung Quốc có thể dần cải thiện. Trái lại, nếu Chính phủ Trung Quốc vẫn không đưa ra những biện pháp kích thích tăng trưởng đáng kể, giá đồng có thể tiếp tục phải chịu sức ép.
Giá dầu có thể sẽ biến động giằng co khi thiếu vắng thông tin cơ bản
Vùng giá 78 – 79 USD đối với dầu WTI kỳ hạn tháng 10 vẫn đang là vùng hỗ trợ cho giá dầu. Đây là vùng giá mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong cuộc họp đầu tháng 8 có ủng hộ việc Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng trong tháng 9, sau khi thực hiện trong tháng 7 và tháng 8. Do đó, giá dầu có thể sẽ biến động giằng co quanh vùng này.
Hiện tại, các thông tin về nguồn cung không còn tạo ra sự bất ngờ cho thị trường, nhưng rủi ro thâm hụt trên thực tế vẫn tiềm ẩn sẽ là yếu tố giúp giá dầu neo ở mức cao so với giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Các nhà máy lọc dầu châu Á đang săn lùng dầu thô nhằm thay thế cho nguồn cung từ Kuwait khi nhà sản xuất OPEC cắt giảm xuất khẩu gần 1/5 để cung cấp cho nhà máy lọc dầu khổng lồ mới. Việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng đã để lại ít dư địa cho các nhà máy lọc dầu châu Á hơn.
Tuy nhiên, nhu cầu thường có xu hướng hạ nhiệt vào cuối năm. Mùa di chuyển cao điểm của Mỹ thường sẽ kết thúc vào ngày Lễ Lao động, khoảng đầu tháng 9, và điều này cũng sẽ khiến nhu cầu giảm tải so với giai đoạn qua. Việc cắt giảm sản lượng có thể sẽ phù hợp hơn với mức nhu cầu tiêu thụ dầu. Ngoài ra, tâm lý giao dịch cũng bị đè nặng bởi bối cảnh kinh tế kém sắc của Trung Quốc.
Ngân hàng Citigroup cho rằng các nhà giao dịch có thể bán khống dầu và các sản phẩm từ dầu sau khi mùa hè kết thúc. Các nhà phân tích của Citigroup dự báo thị trường dầu sẽ thặng dư trung bình 200.000 thùng/ngày trong năm 2023 và tiếp tục thặng dư khoảng 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, với nguồn cung dầu bổ sung đến từ các quốc gia cả trong và ngoài OPEC+.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)