Diện tích trồng lúa trên toàn cầu dự báo sẽ tăng 1,5% lên 163 triệu ha, chỉ thấp hơn 0,3 triệu ha so với mức cao kỷ lục lịch sử đạt được vào năm 2016/17. Những quốc gia được dự báo sẽ tăng đáng kể diện tích trồng lúa bao gồm: Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Thái Lan và Mỹ, trong khi một số nước khác như Brazil và Philippines dự báo sẽ tiếp tục giảm. Năng suất lúa toàn cầu dự đoán sẽ đạt 4,59 tấn/ha (quy gạo thô), tăng so với 4,56 tấn của niên vụ 2019/20 và sẽ là mức cao nhất trong lịch sử. Cả Thái Lan và Mỹ được nhận định là sẽ có năng suất hồi phục mạnh trong niên vụ này.
Dự báo Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ sẽ có sản lượng tăng mạnh nhất trong năm 2020/21; Australia, Myanmar, Nigeria, Sri Lanka và Pakistan cũng sẽ có sản lượng tăng. Ấn Độ được nhận định sẽ duy trì sản lượng ở mức cao kỷ lục trong năm nay. Trái lại, sản lượng ở Brazil và Philippines dự báo sẽ giảm.
Tiêu thụ và thất thoát gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2020/21 dự báo sẽ đạt kỷ lục 498,1 triệu tấn, tăng gần 2% so với năm trước đó. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm phần lớn mức tăng dự kiến, trong đó tiêu thụ ở Trung Quốc twang chủ yếu đến từ lĩnh vực công nghiệp. Tiêu thụ và thất thoát ở Bangladesh, Ai Cập, Philippines, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam dự báo cũng sẽ tăng lên.
Với sản lượng cao hơn 3,8 triệu tấn so với vụ trước, tồn trữ gạo toàn cầu niên vụ 2020/21 dự báo cũng sẽ tăng 2% lên kỷ lục 148,2 triệu tấn, là năm thứ 14 liên tiếp tăng. Tồn trữ/dự trữ gạo cuối vụ 2020/21 của Trung Quốc dự báo sẽ đạt kỷ lục cao 117 triệu tấn, Ấn Độ cũng cao kỷ lục 38 triệu tấn. Hai nước này sẽ chiếm lần lượt 64% và 21% tổng lượng tồn trữ/dự trữ gạo trên toàn cầu. Tồn trữ của Mỹ cũng sẽ tăng 37% lên 1,3 triệu tấn. Tỷ lệ sử dụng/tồn trữ gạo trên toàn cầu cuối niên vụ dự báo sẽ ở mức 37%, cao hơn chút ít so với 36,8% của niên vụ trước, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 37,3% của vụ 2000/01.
Thương mại gạo toàn cầu năm 2021 dự báo đạt 45,2 triệu tấn, tăng hơn 5% so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 48,1 triệu tấn của năm 2017. Dự báo Thái Lan sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức tăng xuất khẩu vào năm tới, do tăng 1,5 triệu tấn. Xuất khẩu của Australia, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam dự báo cũng sẽ tăng trong năm 2021.
Về nhập khẩu, dự báo Philippines sẽ tăng lượng nhập thêm 800.000 tấn, trong khi một số thị trường khác sẽ tăng nhập khẩu thêm 200.000 tấn mỗi nước, như Nigeria, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Điều đó sẽ bù lại cho việc nhập khẩu giảm sút ở Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc.
Dự báo về thương mại toàn cầu năm 2020 được điều chỉnh tăng 0,1 triệu tấn lên 42,9 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn 1% so với năm trước đó. Về xuất khẩu trong năm 2020, dự báo Campuchia sẽ tăng 0,3 triệu tấn, trong khi của Trung Quốc sẽ giảm 0,3 triệu tấn. Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 dự báo tăng 0,2 triệu tấn, trong khi của Ai Cập giảm 80.000 tấn. Về nhập khẩu trong năm 2020, dự báo Colombia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống sẽ tăng nhập khẩu, trong khi Sri Lanka và Uganda sẽ giảm nhập khẩu.
Giá xuất khẩu của hầu hết các loại gạo Thái Lan (tẻ thường, xát trắng) đã giảm 6% kể từ giữa tháng 4/2020, khi Việt Nam kết thúc giai đoạn tạm dừng xuất khẩu để xem xét và công bố khôi phục xuất khẩu trở lại, đặt ra hạn ngạch cho tháng 4/2020, trong bối cảnh Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu gạo mặc dù vẫn trong giai đoạn phong tỏa.
Giá gạo Thái Lan cao hơn các đối thủ khác khiến cho sức cạnh tranh bị giảm sút. Gạo 100% B xuất khẩu của Thái Lan có giá 546 USD/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 4/5/2020, giảm so với 582 USD/tấn ở tuần kết thúc vào ngày 6/4/2020. Gạo hương nhài cao cấp của Thái Lan (một loại gạo thơm) giá 1115 USD/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 4/5, so với 1.099 USD/tấn ở tuần kết thúc vào ngày 6/4.
Ngày 13/4/2020, Việt Nam chấm dứt giai đoạn tạm dừng xuất khẩu gạo và công bố hạn ngạch 400.000 tấn cho tháng 4/2020 và tương tự mức đó cho tháng 5/2020. Vào cuối tháng 4/2020, hạn ngạch của tháng 4 được điều chỉnh tăng lên 500.00 tấn, trong bối cảnh Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất chấm dứt mọi hạn chế về xuất khẩu kể từ tháng 5 vì nguồn cung đảm bảo đủ sử dụng trong nước, bất chấp dịch Covid-19 gây nhiều lo ngại. Trong tuần kết thúc vào 5/5/2020, gạo hạt dài xay 5% tấm của Việt Nam có giá 470 USD/tấn, không thay đổi so với giữa tháng 4/2020, khi lệnh tạm dừng xuất khẩu được dỡ bỏ.
Giá gạo Uruguay hầu hết tăng nhẹ trong vòng một tháng qua, trong khi giá gạo Argentina và Paraguay hầu như không thay đổi. Vụ thu hoạch ở Nam Mỹ bắt đầu từ cuối tháng 3/2020. Phía nam của châu lục này chiếm phần lớn xuất khẩu gạo của Nam Mỹ. Đến nay, khu vực này đã sắp kết thúc vụ thu hoạch.
Giá gạo Mỹ tháng qua tăng, với gạo xay xát hạt dài (gạo số 2, 4% vỡ) (FOB tại vùng Vịnh) hiện có giá 675 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần kết thúc vào ngày 7/4/2020. Đây là mức giá cao nhất 7 năm của loại gạo này. Giá gạo hạt dài xay xát của Mỹ hiện được hỗ trợ ở mức cao bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh sang Haiti và nguồn cung dự báo sẽ thắt chặt trong mùa Hè này, trước vụ thu hoạch 2020/21. Chênh lệch giá giữa gạo Mỹ so với gạo Thái Lan (hạt dài, xay xát) hiện ở mức 129 USD/tấn, tăng so với 83 USD/tấn cách đây một tháng.
Gạo California loại 1 (4% tấm) trong tuần tới 5/5 là 938 USD/tấn (FOB tại nhà máy trong nước), tăng 78 USD/tấn so với tuần kết thúc vào 7/4/2020. Đối với gạo giao ở cảng Oakland, loại California hạt vừa có giá 975 USD/tấn trong tuần tới 5/5, không thay đổi so với một tháng trước đó.
Nguồn:VITIC/USDA