Thị trường đang chờ đợi các số liệu bán hàng mới từ báo cáo Export Sales được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào 19h30 tối nay. Hãng tin Reuters đã tổng hợp lại dự đoán của thị trường, trong đó bán hàng đậu tương niên vụ 22/23 dự kiến sẽ là con số âm (do khối lượng hủy hàng lớn hơn so với lượng đặt mới). Đây là báo cáo bán hàng của tuần cuối cùng trong niên vụ 22/23 và có thể quyết định số liệu xuất khẩu 22/23 cũng như tồn kho đầu niên vụ 23/24. USDA cho biết lũy kế bán hàng niên vụ 22/23 tính đến ngày 24/08 mới chỉ đạt 53,41 triệu tấn. Do vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ không hoàn thành mức xuất khẩu mục tiêu mà USDA đề ra. Tuy nhiên, điều này cũng đã được thị trường dự đoán trước đó sau báo cáo Export Inspections được phát hành vào đầu tuần, vậy nên có thể tác động “bearish” từ số liệu bán hàng niên vụ 22/23 tối nay sẽ có phần hạn chế.
Trong khi đó, doanh số bán hàng niên vụ 23/24 được kỳ vọng sẽ nằm trong khoảng 1,4 - 2 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 1,1 triệu tấn trong tuần trước đó và nhỉnh hơn một chút so với mức 1,47 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Trong tuần đánh giá, những đơn hàng đặt trước trong báo Daily Export Sales xuất hiện đều đặn với tổng khối lượng lên tới 815.000 tấn đậu tương. Mặc dù không có đơn hàng nào cao đột biến nhưng điều này cũng cho thấy nhu cầu nhập khẩu đậu tương Mỹ đang dần hồi phục trở lại khi bước sang niên vụ mới. Do đó, chúng tôi cho rằng số liệu bán hàng niên vụ 23/24 trong báo cáo lần này nhiều khả năng sẽ khá tích cực và nghiêng về hướng "bullish".
Giá cà phê có thể biến động mạnh khi tín hiệu tăng vẫn còn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/09, giá 2 mặt hàng cà phê đồng loạt giảm sâu trước những tín hiệu tích cực của tồn kho trên Sở ICE. Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết thúc phiên 06/09 không thay đổi so với phiên trước đó, nhưng nhận thêm 6.600 bao loại 60kg từ Brazil để phân loại bổ sung. Tồn kho Robusta trên ICE-EU kết phiên 06/09 cũng tăng từ 34.370 tấn lên 34.980 tấn.
Bất chấp việc có thêm 6.600 bao loại 60kg đang chờ phân loại để bổ sung vào kho lưu trữ, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US trong phiên hôm qua vẫn giảm thêm 9.508 bao, về mức 458.411 bao, mức thấp nhất từng được ghi nhận trong gần 10 tháng.
Việc tồn kho tiếp tục giảm sẽ làm giảm bớt kỳ vọng tích cực về khả năng dữ liệu này sẽ phục hồi sau đơn hàng 6.600 bao của Brazil. Như vậy, đây vẫn có thể là yếu tố tác động “bullish” lên giá.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Arabica vẫn đang được đẩy mạnh tại Brazil. Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil, trong 6 ngày đầu tháng 09 quốc gia này đã vận chuyển ra quốc tế 479.113 bao cà phê Arabica dạng hạt loại 60kg, tăng 21% so với mức 396.932 bao trong 6 ngày đầu tháng trước.
Hoạt động thu hoạch gần như kết thúc, kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24, đã thúc đẩy nông dân nước này sẵn sàng bán nhiều cà phê hơn.
Giá kim loại quý có thể đi ngang trong bối cảnh thiếu vắng thông tin cơ bản
Thị trường kim loại quý tăng nhẹ trong phiên sáng do sự suy yếu của đồng USD sau chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Đồng USD chịu nhiều sức ép khi phần lớn các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều ủng hộ quan điểm giữ nguyên lãi suất trong tháng 9. Chủ tịch Fed bang Dallas, Lorie Logan, đồng thời cũng là thành viên bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cho rằng Fed có thể bỏ qua đợt tăng lãi suất vào tháng 9, và việc đánh giá sâu hơn về các dữ liệu kinh tế sẽ là cơ sở để Fed đưa ra quyết định.
Ngoài ra, đồng bạc xanh cũng đang mất giá trước đồng dollar Canada và đồng Euro. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BOC), Tiff Macklem, cho biết lãi suất hiện tại không đủ cao để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% và BOC có thể tăng lãi suất trở lại nếu cần thiết.
Về phía khu vực đồng Euro (Eurozone), việc tỷ lệ lạm phát chính thức tại Đức trong tháng 08/2023 duy trì ở mức cao do giá năng lượng và thực phẩm tăng có thể sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.
Giá dầu có thể giảm điều chỉnh trước khi tăng trở lại
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch hôm nay với lực bán nhẹ, khi các thông tin “bullish” đã được phản ánh vào giá, và bối cảnh kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng thúc đẩy một số các hành động chốt lời.
Các thông tin cơ bản về cung cầu trong trung hạn vẫn đang hỗ trợ giá, khi Saudi Arabia và Nga quyết tâm cắt giảm nguồn cung nhằm hỗ trợ giá dầu.
Theo quỹ tiền tệ quốc tế IMF, nguồn việc làm và lợi nhuận doanh nghiệp lớn nhất của Saudi Arabia phần lớn không bị ảnh hưởng từ sự cắt giảm sản xuất dầu. Nói cách khác, tăng trưởng phi dầu mỏ, ít nhất là giai đoạn năm 2023 – 2024 tại Saudi Arabia vẫn sẽ tiếp tục.
Sức mạnh của khu vực phi dầu mỏ, góp phần khoảng 60% GDP của Saudi Arabia, giúp giải thích sự sẵn sàng của các quan chức quốc gia này trong việc hạn chế nguồn cung sau sự bùng nổ của nền kinh tế vào năm ngoái, thời điểm đã khiến nước này trở thành nước tăng trưởng nhanh nhất trong G20. IMF dự kiến tăng trưởng phi dầu mỏ của Saudi Arabia ở mức khoảng 5% trong năm nay.
Với việc tăng trưởng ổn định, sẽ tạo không gian cho Saudi duy trì chính sách hạn chế sản lượng, sẵn sàng giảm thị phần để hưởng lợi nhuận cao hơn, và có đủ ngân sách để tài trợ cho hoạt động kinh tế trong nước. Và khi nguồn cung thắt chặt, giá dầu vẫn sẽ được hỗ trợ và neo ở mức cao.
Trong phiên hôm nay, không có quá nhiều các thông tin vĩ mô, nên giá dầu có thể sẽ diễn biến giằng co. Rủi ro giảm điều chỉnh có thể chiếm ưu thế khi có áp lực đóng vị thế cuối tuần sau mức tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, xu hướng chính thì giá dầu vẫn đang được hỗ trợ.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)