Dữ liệu sơ bộ từ Ban Thư ký Ngoại thương (Secex) mới đây cho thấy, Brazil đã xuất khẩu 6,4 triệu tấn đậu tương trong tháng 9, giảm từ mức 8,57 triệu tấn của tháng 8. Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu hàng tháng của Brazil vẫn đang duy trì cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ tháng 5, các lô hàng xuất khẩu đậu tương từ Brazil đã giảm dần qua các tháng và thông thường xu hướng này sẽ kéo dài trong các tháng còn lại trong năm. Nguyên nhân lý giải cho điều này là vì giai đoạn tháng 9 và tháng 10, Brazil bắt đầu gieo trồng vụ đậu tương mới và sẽ không còn quá nhiều hàng tồn kho có sẵn để xuất khẩu.
Trong khi đó, nguồn cung thấp hơn tại Nam Mỹ sẽ tạo cơ hội cho đậu tương Mỹ trên thị trường quốc tế. Báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) tối qua cho biết, Mỹ đã bán được đơn hàng 265.000 tấn đậu tương niên vụ 23/24. Đây cũng là đơn hàng thứ 2 được ghi nhận từ đầu tuần này, với điểm đến chủ yếu là Trung Quốc. Mặc dù khối lượng của các đơn hàng là không quá lớn nhưng điều này đã cho thấy nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu đậu tương số 1 thế giới đã quay trở lại với Mỹ, khi mà quốc gia này đang dần đẩy mạnh vụ thu hoạch của mình. Do đó, việc hoạt động bán hàng của Mỹ ghi nhận tín hiệu tích cực là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương hồi phục ngắn hạn trong phiên hôm nay.
Giá Arabica vẫn còn động lượng giảm do dữ liệu nguồn cung tích cực
Kết phiên 3/10, giá hai mặt hàng cà phê giảm do áp lực kép từ nguồn cung tại Brazil và thông tin tài chính. Thông tin từ chính phủ Brazil, quốc gia này đã xuất đi 177.685 tấn cà phê (2,69 triệu bao loại 60kg), tăng 10,5% so với mức 169.678 tấn trong cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real của Brazil tăng hơn 2%, đã kích thích như cầu bán cà phê của nông dân nước này.
Thông tin cơ bản trên thị trường đang chuyển dịch theo hướng tác động “bearish” đến giá.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE -US kết phiên 3/10 đã tăng thêm 2.926 bao loại 60kg, lên mức 444.871 bao. Toàn bộ số bao tăng thêm đều được bổ sung từ nguồn cung từ Brazil. Do đó, với tình hình nguồn cung sẵn có và nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu cà phê nói chung và Arabica nói riêng tại Brazil ở thời điểm hiện tại, dữ liệu tồn kho vẫn có cơ hội mở rộng, hoặc ít nhất là giảm dần tốc độ suy yếu.
Hiện tại, Sở ICE đang có hơn 7.000 bao Arabica từ Brazil đang chờ phân loại bổ sung trong các phiên tiếp theo.
Theo thông tin từ chính phủ Brazil, quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới đã xuất khẩu 177.685 tấn cà phê nhân (2,69 triệu bao loại 60kg), tăng 10,5% so với mức 169.678 tấn trong cùng kỳ năm 2022.
Giá kim loại quý có thể giằng co trước thềm công bố loạt dữ liệu quan trọng của Mỹ
Thị trường kim loại quý tiếp tục nối dài đà giảm trong phiên sáng do chịu sức ép từ đồng USD mạnh lên làm tăng chi phí nắm giữ so với các đồng tiền thương mại khác.
Đà tăng của đồng USD được củng cố bởi dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài nhằm hạ nhiệt lạm phát. Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ ngày 3/10 cho thấy, số lượng cơ hội việc làm mới tại Mỹ trong tháng 8 bất ngờ tăng mạnh lên mức 9,610 triệu, cao hơn nhiều so với mức 8,8 triệu theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức 8,920 triệu được điều chỉnh tăng trong tháng 7.
Ngoài ra, động thái “diều hâu” từ các quan chức FED cũng đã hỗ trợ đồng USD. Chủ tịch FED bang Atlanta, Raphael Bostic, cho biết FED không cần thiết phải tăng chính sách lãi suất một lần nữa, nhưng có thể sẽ còn rất lâu nữa FED mới chuyển sang cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Chủ tịch FED bang Cleveland, Loretta Mester, cho biết nếu tình trạng hiện tại của nền kinh tế được giữ vững, bà sẵn sàng tăng lãi suất thêm một lần nữa, có thể là tại cuộc họp chính sách tiếp theo.
Hơn nữa, đồng USD còn được hưởng lợi bởi phát biểu lạc quan của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Bà Yellen cho rằng chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh, chi tiêu đầu tư vững chắc, trong khi thị trường bất động sản đã ổn định và đang có dấu hiệu đi lên. Thêm vào đó, bà Yellen cho biết thêm lạm phát ngắn hạn đang hạ nhiệt trong bối cảnh thị trường lao động duy trì mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Shunichi Suzuki, mới đây đã đưa ra lời cảnh báo rằng Nhật Bản sẵn sàng thực hiện các hành động cần thiết ngăn chặn sự biến động quá mức mà không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào. Điều này khiến thị trường cảnh giác về khả năng can thiệp của chính phủ Nhật Bản vào việc mua đồng yên, cản trở đà tăng của đồng USD.
Vào tối nay, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận loạt dữ liệu kinh tế và việc làm quan trọng của Mỹ, bao gồm chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ và báo cáo thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP. Với việc các dữ liệu của Mỹ trong thời gian gần đây đều khá tích cực, cho thấy sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong môi trường lãi suất cao, nhiều khả năng dữ liệu tối nay cũng sẽ tích cực. Đồng USD có thể sẽ được hưởng lợi và khiến giá kim loại quý suy yếu.
Bên cạnh đó, Thống đốc FED, Michelle Bowman và Chủ tịch FED bang Chicago, Austan Goolsbee, cũng sẽ có bài phát biểu vào tối nay. Nếu các quan chức FED tiếp tục đưa ra quan điểm diều hâu về chính sách lãi suất trong tương lai, đồng USD có thể sẽ tiếp tục tăng cao, đè nặng lên giá kim loại quý.
Giá dầu có thể giảm điều chỉnh nếu cuộc họp OPEC không có bất ngờ
Giá dầu đang phải chịu một sức ép khác không xuất phát từ yếu tố cung cầu cơ bản thông thường, đó là đà tăng mạnh của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Nếu như cuộc họp trực tuyến của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và đồng minh (OPEC+) trong ngày hôm nay không cho thấy có tín hiệu bất ngờ nào, giá dầu có thể tiếp tục chịu sức ép giảm điều chỉnh bởi yếu tố vĩ mô này.
Là một nước xuất khẩu dầu hàng đầu đang thu được nhiều lợi ích từ việc giá tăng cao, nhiều khả năng Saudi Arabia vẫn sẽ giữ nguyên kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện tới cuối năm nay. Bất kỳ tuyên bố nới lỏng kế hoạch nào của OPEC đều sẽ khiến giá dầu giảm mạnh trở lại, nhất là khi nhu cầu còn tiềm ẩn rủi ro bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không có nhiều sự bất ngờ đối với thị trường, trừ khi Saudi Arabia sẽ có các phát biểu cứng rắn hơn về việc “sẽ xem xét tiếp tục cắt giảm”, điều rất khó xảy ra vì sẽ làm giảm thị phần của quốc gia này.
Do đó, giá dầu có thể phản ứng nhiều hơn với tâm điểm thứ 2, đó là dữ liệu lao động của Mỹ trong tháng 9.Tối nay, dữ liệu bảng lương của ADP thường là một dự báo sớm cho dữ liệu chính thức của Bộ lao động Mỹ. Trong trường hợp số người có việc tiếp tục tăng cao hơn mức 153.000 theo dự báo, sẽ có thể đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng hơn nữa.
Hiện tại, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm đang tiến tới vùng 5%. Giá trị bị chiết khấu mạnh về thời điểm hiện tại thể hiện kỳ vọng lãi suất thị trường sẽ còn duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Điều này sẽ đem lại rủi ro đầu tư, gây sức ép cho thị trường dầu.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý về yếu tố nguồn cung thực tế vẫn đang thắt chặt bởi tác động của nhóm OPEC, nên nhịp giảm có thể chỉ là nhịp giảm điều chỉnh. Động lực cho giá dầu ở mức cao khoảng 90 USD/thùng vẫn còn hiện hữu.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)