menu search
Đóng menu
Đóng

Giá đậu tương có thể sẽ test lại vùng hỗ trợ 1263 trong ngày hôm nay

16:49 09/10/2023

Bắt đầu phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đang nhận được lực mua khá mạnh. Dưới góc nhìn kỹ thuật, đậu tương nhìn chung đang chỉ biến động trong khoảng 1257 – 1286 và xu hướng giằng co nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì đến khi báo cáo Cung cầu Nông sản Thế giới tháng 10 (WASDE) được công bố vào thứ Năm tuần này.
 
Các dự đoán của giới phân tích về báo cáo WASDE đã được hãng tin Reuters công bố vào cuối tuần trước. Trung bình các nhà phân tích dự đoán năng suất đậu tương niên vụ 2023/24 của Mỹ sẽ bị cắt giảm xuống chỉ còn 49,9 giạ/mẫu, từ mức 50,1 trong báo cáo tháng trước và cao hơn mức 49,5 trong niên vụ trước. Năng suất thấp hơn khiến thị trường cho rằng sản lượng đậu tương ở mức 4,134 tỷ giạ, thấp hơn mức 4,146 tỷ giạ trong ước tính mới nhất. Mặt khác, mặc dù sản lượng thấp hơn, tuy nhiên, tồn kho cuối niên vụ 2023/24 lại được dự báo tăng lên mức 233 triệu giạ, cao hơn 13 triệu giạ so với dự đoán trước. Nguyên nhân chính nhiều khả năng đến từ triển vọng xuất khẩu kém khả quan trước nguồn cung giá rẻ của Brazil. Đối với các số liệu thế giới, các nhà phân tích dự đoán tồn kho toàn cầu sẽ đạt mức 119,71 triệu giạ, cao hơn mức 119,25 triệu giạ trước báo cáo tháng 9. Nhìn chung, các số liệu dự đoán trước đang có ảnh hưởng tương đối trái chiều đến giá, khiến đậu tương có thể sẽ tiếp tục biến động trong khoảng đi ngang.
Mặt khác, theo Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario, hạn hán đang trì hoãn việc trồng ngô ở khu vực sản xuất chính của Argentina và nếu điều này kéo dài, một số cánh đồng có thể được chuyển sang trồng đậu tương. Đây là quyết định thường thấy của nông dân khi ngô là loại cây trồng đòi hỏi độ ẩm ổn định trong giai đoạn sinh trưởng để cho ra năng suất cây trồng tốt. Với dự báo lượng mưa ít ỏi tại Argentina trong tuần tới, đây là yếu tố cần lưu ý và có thể tạo sức ép lên giá đậu tương trong hôm nay.

Giá Arabica khó có thể bật tăng khi nguồn cung tích cực tại Brazil
Kết thúc tuần giao dịch 2/10-8/10, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục suy yếu trước áp lực nguồn cung. Brazil đã xuất khẩu 177.685 tấn cà phê nhân (2,69 triệu bao loại 60kg) trong tháng 9, tăng 10,5% so với mức 169.678 tấn trong cùng kỳ năm 2022, dữ liệu từ chính phủ nước này. Đồng thời, tỷ giá USD/Brazil Real tiếp tục tăng thêm hơn 2%, giúp kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil do thu về nhiều nội tệ hơn.
Thông tin cơ bản về tình hình nguồn cung cà phê tại Brazil cả trong niên vụ 2023/24 và 2024/25 đều trong hướng tích cực.
Theo thống kê sơ bộ trong 6 ngày đầu tháng 10 của Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), Brazil đã xuất 869.116 bao cà phê loại 60kg, tăng 30% so với mức 666.533 bao trong cùng kỳ tháng trước. Trong đó, Arabica dạng hạt tiếp tục là dòng cà phê được đẩy mạnh với 759.355 bao đã xuất khẩu trong thời gian này, tăng % so với mức 512.161 bao vào 6 ngày đầu tháng 9.
Đối với mùa vụ cà phê 2024/25, thời tiết đang chuyển biến tích cực hơn đối với sự phát triển của cây cà phê tại vùng canh tác chính của Brazil. Mưa trở lại giúp cung cấp độ ẩm cho đất, kết hợp với nhiệt độ dịu dần trong khung thời gian 10 ngày tới.
Đồng thời, trên Sở Giao dịch liên lục địa New York (ICE-EU), toàn bộ số cà phê chờ phân loại để bổ sung vào kho dự trữ đạt chuẩn đều đang đến từ Brazil. Do vậy, việc nguồn cung tích cực tại quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới cũng là nền tảng để hỗ trợ dữ liệu tồn kho nói riêng và nguồn cung trên thị trường nói chung.
Đặc biệt, chiến sự xảy ra giữa Hamas và Israel khiến lo ngại lạm phát cao bùng phát lần nữa. Điều này có thể khiến các Ngân hàng Trung ương “trung thành” với chính sách tiền tệ thắt chặt thông qua việc giữ lãi suất ở mức cao. Lãi suất cao, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu cà phê chính như Mỹ và EU sẽ kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Giá đồng có thể giằng co do thông tin cơ bản trái chiều
Trong phiên giao dịch sáng đầu tuần, thị trường đồng đón nhận lực mua tích cực nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới và do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn. Tuy vậy, dự kiến giá có thể gặp sức ép bởi đồng USD mạnh lên khi mà xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông.
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ “Tuần Lễ Vàng” kéo dài 1 tuần, thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại vào hôm nay. Dữ liệu kinh tế trong kỳ nghỉ lễ cho thấy tín hiệu tích cực, củng cố thêm quan điểm rằng Trung Quốc đang dần vượt qua “đáy”.
Cụ thể, dữ liệu chính thức chỉ ra rằng du lịch và chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ năm nay đã tăng mạnh so với năm 2022, với 826 triệu chuyến du lịch nội địa, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi tiêu tăng gần 130%. Hơn nữa, dữ liệu được công bố trước đó cũng cho thấy bức tranh kinh tế Trung Quốc có sự cải thiện, khi mà chỉ số quản lý mua hàng sản xuất đã quay lại ngưỡng mở rộng sau 6 tháng trong tháng 9. Trong khi đó, lợi nhuận công nghiệp ghi nhận mức tăng lần đầu tiên sau 1 năm. Mới đây, ngân hàng Citigroup và JPMorgan cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay lên 5%.
Do vậy, những số liệu này làm tăng thêm kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng cũng được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, giá đồng còn được hỗ trợ khi mà các công ty khai thác đồng lớn đã đưa ra cảnh báo rằng nguồn cung đồng được dự báo sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, theo Financial Times đưa tin sáng nay, việc thiếu hụt các mỏ đồng mới có thể khiến thị trường đồng không có đủ nguồn cung để theo kịp quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Theo Anglo American, một trong những công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới, mức sống trung bình của người phương Tây cần 200-250 kg đồng mỗi người, cao hơn nhiều so với mức trung bình 60 kg trên toàn cầu. Trong khi đó, S&P Global đã dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ đồng sẽ tăng gấp đôi lên 50 triệu tấn vào năm 2035, từ khoảng 25 triệu tấn vào năm 2021.
Tuy vậy, giá đồng có thể phải chịu sức ép do áp lực vĩ mô. Rủi ro địa chính trị gia tăng tại khu vực Trung Đông sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư các tài sản an toàn như đồng USD. Hơn nữa, trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang, dòng chảy năng lượng trong khu vực có thể bị đe dọa và hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục tăng cao, làm gia tăng áp lực lạm phát. Điều này đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Do đó, động lực tăng của đồng USD vẫn còn nhiều và giá đồng có thể phải gặp sức ép.

Giá dầu có thể lấp gap khi chiến sự Israel chưa ảnh hưởng nguồn cung
Giá dầu mở cửa gap-up trong phiên sáng nay trước lo ngại về tình trạng căng thẳng tại khu vực Israel. Tuy nhiên, điều này chủ yếu xuất phát từ lo ngại của các nhà đầu tư hơn là ảnh hưởng trực tiếp từ yếu tố cung cầu, do cả Palestine và Israel đều không phải là những nhà sản xuất hoặc tiêu thụ dầu lớn.
Ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ chỉ ở mức hạn chế nếu xung đột không leo thang cao hơn và lan rộng hơn. Israel có 2 nhà máy lọc dầu với tổng công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), nước này gần như không sản xuất dầu thô hay khí ngưng tụ. Lãnh thổ Palestine cũng không sản xuất dầu. Do đó, giá dầu có thể lấp gap khi thị trường bắt đầu giảm sự “hoảng loạn” sau khi đón nhận tin tức.
Giá dầu hiện tại vẫn đang chịu rủi ro và sức ép từ vấn đề lạm phát và lãi suất của Mỹ, nhất là khi Mỹ công bố dữ liệu CPI vào cuối tuần này.
Về trung hạn, mặc dù Israel và Palestine không có vai trò quan trọng trên thị trường dầu mỏ, nhưng chiến sự lại xảy ra ở cửa ngõ của một vùng sản xuất và xuất khẩu dầu lửa quan trọng, nên các nhà đầu tư vẫn cần cận trọng trong việc theo dõi diễn biến.
Thứ nhất, sẽ là khu vực kênh Suez (Ai Cập), vận chuyển khoảng 5,5 triệu thùng dầu/ngày. Ai Cập là quốc gia hồi giáo đã từng tham gia chống lại Israel trong quá khứ.
Thứ hai, sẽ là khu vực eo biển Hormuz cực kỳ quan trọng, vận chuyển khoảng 19 triệu thùng dầu/ngày có liên quan mật thiết tới Iran, hiện có nhiều nguồn tin cho là hậu thuẫn cho phía Hamas tấn công Isarel. Trong một kịch bản cực đoan, Iran có thể đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích trực tiếp nào bằng cách phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển huyết mạch quan trọng mà trước đây Tehran đã đe dọa đóng cửa.
Thứ ba, mối quan hệ giữa Saudi Arabia - Israel mà Mỹ làm trung gian cũng sẽ khó thực hiện được, và viễn cảnh tương lai liên quan tới chính trị sẽ còn khó đoán.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc