Về phía nguồn cung, báo cáo cung cầu tháng 10 của USDA được công bố vào cuối tuần trước vẫn duy trì tác động hỗ trợ đối với giá đậu tương. Với việc diện tích thu hoạch không có sự thay đổi, trong khi năng suất dự kiến giảm do ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ được dự báo sẽ đạt 4,1 tỷ giạ, giảm so với mức 4,15 tỷ giạ ước tính tháng 09 của USDA. Sản lượng thu hẹp dẫn đến xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ cũng bị cắt giảm xuống còn 1,76 tỷ giạ, từ mức 1,79 tỷ giạ ước tính tháng trước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn cần theo dõi thêm báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) tuần này để có thể đánh giá chính xác hơn triển vọng vụ đậu tương năm nay của Mỹ.
Đối với nhu cầu, trước thềm công bố báo cáo tháng 10 của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA), thị trường hiện đang dự đoán khối lượng ép dầu đậu tương tháng vừa rồi của Mỹ sẽ đạt 161,68 triệu giạ. Nếu trở thành hiện thực, đây sẽ là khối lượng ép dầu đậu tương kỷ lục được ghi nhận cho giai đoạn tháng 09. Theo các chuyên gia được Reuters khảo sát, khối lượng ép dầu dậu của Mỹ thường giảm về mức thấp trước tháng 09, do các nhà máy tiến hành bảo trì định kỳ trước khi vụ thu hoạch đậu tương diễn ra. Vì vậy, nhu cầu ép dầu của Mỹ dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới, khi hoạt động thu hoạch đã đi được một nửa chặng đường. Điều này kết hợp với sự thu hẹp nguồn cung của Mỹ sẽ là yếu tố “bullish” trong thời gian tới đối với giá đậu tương.
Giá cà phê khó tăng mạnh khi gặp phải kháng cự kỹ thuật
Kết thúc tuần 9/10-15/10, giá hai mặt hàng cà phê cùng có được sự khởi sắc. Trong đó, giá Arabica tăng mạnh gần 6% và giá Robusta nhích nhẹ 0,18% so với tham chiếu. Xuất khẩu cà phê dạng hạt trong tháng 9 tại Brazil giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu vào Arabica khi chỉ đạt 80% lượng xuất đi trong tháng 9 năm 2022. Cùng với đó, việc đồng Real của Brazil mạnh lên cũng phần nào làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân, góp phần thúc đẩy giá tăng.
Tình hình xuất khẩu cà phê trong tháng 10 đang cho thấy sự cải thiện so với tháng 9. Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), trong 13 ngày đầu tháng 10 đã có 1,65 triệu bao cà phê loại 60kg được xuất đi, cao hơn mức 1,33 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Trong đó, Arabica dạng hạt là dòng cà phê có sự gia tăng mạnh nhất, với 1,36 triệu bao đã xuất khẩu, tăng 33,33 % so với 1,02 triệu bao trong 13 ngày đầu tháng 9 năm 2022.
Bên cạnh xuất khẩu có xu hướng cải thiện, triển vọng nguồn cung cà phê niên vụ 2024/25 tại Brazil cũng cho thấy sự tích cực. Theo đó, mưa đang quay trở lại vùng trồng cà phê chính và nhiệt độ cũng có xu hướng dịu dần. Điều này tạo sự thuận lợi cho quá trình ra hoa và phát triển cà phê niên vụ mới.
Giá đồng có thể có nhịp hồi trước khi giảm trở lại
Sức mua áp đảo thị trường đồng trong phiên sáng đầu tuần, do nhà đầu tư tỏ ra lạc quan khi Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Cụ thể, vào sáng nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung ròng 289 tỷ nhân dân tệ (tương đương 39,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm. Đây là đợt bơm thanh khoản lớn nhất của PBOC kể từ tháng 12/2020.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang xem xét một đợt kích thích mới nhằm giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, Bộ Tài chính Trung Quốc đã bán 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ trung ương vào tháng 9, cao hơn 60% so với mức trung bình cùng kỳ trong 3 năm qua. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách cũng đang cân nhắc việc bán thêm trái phiếu chính phủ ít nhất 1 nghìn tỷ nhân dân tệ để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, Bloomberg News đưa tin trước đó.
Tuy vậy, trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ đồng đang trầm lắng và đây là yếu tố chính gây sức ép lên giá đồng hiện tại, động thái bổ sung thanh khoản này của PBOC chỉ mang tính trấn an thị trường trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố loạt dữ liệu kinh tế quan trọng bao gồm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp. Những dữ liệu này sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc do nền cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và nhu cầu bên ngoài yếu cản trở đà tăng trưởng. IMF cho rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ 5% vào năm 2023 và 4,2% vào năm 2024, phản ánh các mức điều chỉnh giảm tương ứng là 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với báo cáo trước.
Do vậy, nếu số liệu được công bố tiếp tục chỉ ra sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn yếu kém, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng có thể tiếp tục phải chịu sức ép trong tuần này.
Giá dầu có thể sẽ đi ngang khi tâm lý thị trường thận trọng hơn
Giá dầu bất ngờ đảo chiều tăng mạnh trở lại vào phiên cuối tuần vừa qua khi lo ngại cuộc xung đột ở Israel sẽ leo thang. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra nếu có cáo buộc Iran hậu thuẫn cho nhóm Hamas trong cuộc xung đột này.
Trong trường hợp này, Mỹ có thể gia tăng các lệnh trừng phạt lên Iran. Điều này có thể gây thêm căng thẳng cho thị trường dầu mỏ vốn đã thiếu nguồn cung. Iran có thể sẽ trả đũa bằng cách làm gián đoạn dòng chảy dầu của các quốc gia trong khu vực Trung Đông thông qua việc đóng cửa eo biển Hormuz.
Trước viễn cảnh xấu này diễn ra, giá dầu đã bật tăng vượt qua mức kháng cự 85 USD/thùng.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết giá dầu dự kiến sẽ đạt 100 USD/thùng do tình hình bất ổn ở Trung Đông. Cùng ngày, động thái của Mỹ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các tàu chờ dầu của Nga có giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng cũng đã thúc đẩy giá dầu tăng trở lại.
Như vậy, tâm lý lo ngại rủi ro đã diễn biến phức tạp hơn trong giai đoạn cuối tuần vừa qua. Nhiều khả năng sẽ vẫn còn có thể leo thang hơn nữa khi cuộc xung đột vẫn chưa đi đến hồi kết, do đó trong bối cảnh này giá dầu sẽ rất nhạy cảm với các tin tức địa chính trị khu vực Trung Đông.
Yếu tố vĩ mô, thị trường đã có những kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng thêm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 sau khi số liệu lạm phát cho thấy vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed. Kỳ vọng này thúc đẩy đồng USD phục hồi tăng mạnh trở lại trong tuần qua, điều này có thể là tín hiệu gây sức ép giảm đối với giá dầu.
Có thể thấy, giá dầu nhạy cảm với các thông tin địa chính trị ở khu vực Trung Đông hơn so với các tin tức kinh tế vĩ mô hiện tại. Điều này cho thấy được tâm lý thị trường đã thay đổi so với các dự báo giá dầu giảm do lo ngại nhu cầu yếu đi trong tuần trước đó.
Thay vào đó mối quan tâm hiện tại chuyển dịch sang lo ngại gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là eo biển Hormuz, nơi chiếm 1/3 lượng dầu tiêu thụ toàn cầu.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)