menu search
Đóng menu
Đóng

Giá đậu tương khả năng sẽ hồi phục trở lại vùng 1300 sau báo cáo Export Inspections

16:52 25/09/2023

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 đang suy yếu nhẹ theo diễn biến chung của nhóm nông sản. Giá đậu tương đang rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua và nằm trên xu hướng giảm dài hạn kể từ cuối tháng 08. Bên cạnh triển vọng nguồn cung ở Mỹ, yếu tố mùa vụ tại Nam Mỹ cũng đang được thị trường tập trung chú ý, đồng thời có tác động chính đến diễn biến giá ở thời điểm hiện tại.
 
Trong cuối tuần vừa rồi, hãng tư vấn Pátria AgroNegócios cho biết, tiến độ trồng đậu tương niên vụ 23/24 ở Brazil đạt 2,3% kế hoạch, so với mức 0,4% một tuần trước đó và mức 2,06% trung bình lịch sử. Nguyên nhân phần lớn là nhờ có hoạt động gieo trồng đang diễn ra khá thuận lợi ở bang Parana, vốn nhận được lượng mưa phù hợp. Mặc dù thời tiết vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến triển vọng nguồn cung sắp tới, nhưng giai đoạn đầu mùa vụ đã diễn ra khá khả quan trên hầu hết các vùng nông nghiệp của Brazil. Điều này đã góp phần xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu mưa gây khó khăn cho hoạt động gieo trồng trong đầu tuần trước, từ đó tác động “bearish” đến giá đậu tương.
Ở diễn biến khác, thị trường cũng đang chờ đợi số liệu giao hàng đậu tương trong báo cáo Export Inspections tối nay. Báo cáo này được kỳ vọng sẽ phản ánh mức độ hồi phục của hoạt động xuất khẩu tại Mỹ trong bối cảnh hoạt động thu hoạch đậu tương vẫn đang diễn ra khá suôn sẻ. Trong báo cáo tuần trước, giao hàng đậu tương trong tuần 8/9-15/9 đã có sự cải thiện nhẹ nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu khối lượng đậu tương của Mỹ lên tàu xuất khẩu trong tuần này vượt mức 500.000 tấn thì đây sẽ là tín hiệu cho thấy xuất khẩu cải thiện và có thể hỗ trợ cho giá mặt hàng này trong phiên tối.

Giá cà phê vẫn có thể giảm do nguồn cung tích cực tại Brazil
Kết thúc tuần giao dịch 18/9-24/9, giá 2 mặt hàng cà phê cùng giảm sâu do nguồn cung tích cực từ Brazil. Cụ thể, sản lượng cà phê trong năm 2023 của quốc gia này có thể đạt 54,36 triệu bao, tăng 6,8% so với năm 2022. Cùng với đó, chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real tăng hơn 1% cũng thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân nước này.
Các chuyên gia về cà phê đang có cái nhìn rất tích cực về khả năng xuất khẩu cà phê tại Brazil trong năm nay khi dự đoán hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cho đến hết tháng 11 và sẽ còn cao hơn cả mức xuất khẩu kỷ lục trong tháng 8 vừa rồi.
Brazil đã xuất khẩu Brazil đã xuất khẩu 3,67 triệu bao cà phê loại 60kg trong tháng 8, trong đó có 3,35 triệu bao cà phê nhân, tăng 33,3% so với cung kỳ năm 2022, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Trong đó, 2,65 triệu bao cà phê Arabica xuất đi, tăng 11,2% và 698.856 bao cà phê Robusta tăng 443% so với tháng 8 năm 2022.
Tốc độ bán hàng cà phê niên vụ 2023/24 của nông dân Brazil mới chỉ đạt 50%, thấp hơn mức 52% của cùng kỳ năm 2022 và 53% của trung bình lịch sử, theo công ty tư vấn Safras&Mercado. Tuy nhiên, sản lượng cà phê vụ này đang ước tính ở mức cao so với năm ngoài nên lượng cà phê đẩy ra quốc tế không ở mức thấp. Đặc biệt, với triển vọng xuất khẩu cà phê tích cực trong thời gian tới sẽ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống về tỷ lệ bán hàng.
Ngoài ra, việc xuất khẩu tích cực tại Brazil đang hỗ trợ tích cực cho dữ liệu tồn kho trên Sở ICE. Trong báo cáo kết phiên 22/9, trên Sở ICE-US hiện có 15.391 bao Arabica đang chờ phân loại để bổ sung vào các kho dự trữ đạt chuẩn. Điều này dự kiến sẽ giúp tồn kho được bổ sung và góp phần tạo thêm sức ép đến giá.

Giá đồng có thể giảm trước tín hiệu tiêu cực từ Trung Quốc
Trong phiên sáng, giá đồng giằng co đi ngang do thị trường thiếu vắng chất xúc tác mới. Tuy vậy, với triển vọng tiêu thụ tiêu cực từ Trung Quốc, nhiều khả năng giá đồng sẽ giảm trong phiên hôm nay.
Bất chấp mùa tiêu thụ cao điểm đang diễn ra, sự yếu kém kéo dài của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có thể khiến các công ty xây dựng tại Trung Quốc hạn chế nhập khẩu đồng trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài 7 ngày từ 1 – 7/10 sắp tới.
Trong khi đó, tồn kho đồng tại kho Thượng Hải đang phục hồi trở lại từ mức đáy thấp nhất kể từ tháng 10/2022, chỉ với 4.823 tấn đạt được vào ngày 12/9. Hiện tồn kho đồng tại Thượng Hải đã tăng lên mức 13.891 tấn, tương đương tăng khoảng 188% so với mức 4.823 tấn. Do đó, tồn kho tăng dần trong khi tiêu thụ yếu sẽ là yếu tố hạn chế sức mua đồng trong phiên.
Thêm vào tin tức tiêu cực, nhà phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã tuyên bố vào cuối ngày Chủ Nhật rằng họ không thể phát hành khoản nợ mới. Điều này trái với kế hoạch được công bố vào tháng 3 năm nay rằng Evergrande sẽ hoán đổi số nợ hiện tại của họ thành trái phiếu mới có thời hạn từ 10 – 12 năm. Điều này đã khiến cổ phiếu của tập đoàn này giảm tới 24% vào hôm nay, trong khi chứng khoán bất động sản Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 9 tháng.
Có thể thấy rằng lực hỗ trợ từ các biện pháp cứu trợ của Chính phủ Trung Quốc đang dần phai nhạt, các biện pháp đa số chỉ mang tính chất trấn an thị trường trong thời gian ngắn và không đủ lực để vực dậy thị trường bất động sản còn yếu kém. Nếu cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục kéo dài, điều này không chỉ cản trở tiêu thụ các mặt hàng như đồng hay sắt thép, mà nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, do lĩnh vực bất động sản chiếm hơn 20% trong cơ cấu GDP của Trung Quốc.

Giá dầu có thể tăng nhẹ trước tác động cấm xuất khẩu nhiên liệu từ Nga
Giá dầu mở cửa với lực mua và bán tương đối giằng co, khi thị trường thận trọng đánh giá tác động từ thông tin về lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu từ Nga có thể gây ra gián đoạn nguồn cung ứng, nhưng vẫn có lực cản từ yếu tố vĩ mô của Mỹ.
Vào tuần trước, Nga đã công bố lệnh cấm tạm thời đối với xuất khẩu dầu diesel và xăng nhằm ổn định giá trong nước khi các nhà máy bảo trì. Điều này góp phần thúc đẩy giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh hưởng của lệnh cấm tới giá dầu thô sẽ tuỳ thuộc vào việc chính sách này sẽ kéo dài trong bao lâu, trong khi Nga vẫn chưa xác định rõ.
Kể từ sau xung đột Biển Đen, hiện nay thì các khách hàng châu Âu không còn nhập khẩu nhiều sản phẩm của Nga. Các thị trường nhập khẩu nhiều xăng dầu của Nga bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Saudi Arabia. Nhưng việc thắt chặt nguồn cung nhiên liệu sẽ hạn chế xuất khẩu từ các nước này, và do đó khiến giá nhiên liệu tại châu Âu tăng cao hơn.
Sản phẩm dầu diesel hay gasoil thường được sử dụng nhiều trong giai đoạn mùa đông cho mục đích sưởi ấm. Nếu lệnh cấm kéo dài, sẽ ảnh hưởng lớn tới nhu cầu dầu cho tinh chế nhiên liệu.
Các sản phẩm dầu thô từ Nga hay Trung Đông rất phù hợp cho sản xuất dầu diesel, trong khi Saudi Arabia đang cắt giảm nguồn cung và dầu đá phiến của Mỹ để tinh chế ra các sản phẩm này là tương đối hạn chế. Nguồn dầu cạnh tranh hơn nếu tiếp diễn trong thời gian dài, đặc biệt là khi mùa đông bắt đầu, sẽ ảnh hưởng “bullish” tới giá dầu và giá nhiên liệu thế giới.
Tuy nhiên, vẫn đang có một rủi ro tiềm ẩn có thể hạn chế phần nào đà tăng của giá dầu. Đó là việc giá nhiên liệu tăng cao sẽ kéo theo lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn quay trở lại, buộc các Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất hoặc duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Điều này sẽ gây áp lực trở lại đối với nền kinh tế và giá dầu.

 

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc