Như chúng tôi đã phân tích trước đó, việc thị trường dự đoán tồn kho niên vụ 22/23 tăng thêm 3 triệu so với báo cáo tháng 8 đến từ việc lũy kế giao hàng và bán hàng không đạt như dự báo của USDA. Đây nhiều khả năng sẽ không phải là yếu tố quá bất ngờ đối với thị trường. Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu vụ mới của Mỹ gần đây cho thấy dấu hiệu cải thiện hơn khi tốc độ giao hàng trong tuần đầu tháng 9 tăng mạnh so với tuần trước đó và cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, tác động từ việc điều chỉnh tăng tồn kho niên vụ 22/23 nhìn chung sẽ không quá mạnh.
Trong khi đó, số liệu được thị trường chú ý hơn là năng suất ngô niên vụ 23/24 của Mỹ. Vào cuối tháng 8 vừa qua, tạp chí Pro Farmer đã đưa ra dự báo sau chuyến khảo sát mùa vụ tại Midwest rằng, năng suất ngô trung bình của Mỹ năm nay sẽ đạt 172 giạ/mẫu, thấp hơn mức 175 giạ/mẫu trong dự báo tháng 8 của USDA do những thiệt hại đáng kể tại Nebraska, Minnesota và Iowa. Đáng chú ý, vụ ngô ở Iowa, bang sản xuất lớn nhất ở Midwest, được đánh giá là mùa vụ tệ nhất trong 17 năm với những đợi nắng nóng lên tới 37 độ C kéo dài liên tục 5-7 ngày vào cuối tháng 8. Theo quan điểm của chúng tôi, việc năng suất ngô Mỹ bị hạ dự báo trong báo cáo lần này gần như là điều chắc chắn và thậm chí có khả năng điều chỉnh xuống thấp hơn mức 173,5 giạ/mẫu mà Reuters đang dự báo. Nếu điều này được xác nhận, đây sẽ là yếu tố thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với ngô sau khi báo cáo phát hành.
Giá cà phê có thể giằng co do động lượng giảm yếu đi
Kết thúc phiên giao dịch 11/9, giá cả 2 mặt hàng cà phê đều tăng khi nông dân hạn chế bán hàng. Tỷ giá USD/Brazil giảm hơn 1%, khiến nông dân không mặn mà với việc bán hàng do thu về ít đồng Real nội tệ hơn. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của Việt Nam giảm tháng thứ 5 liên tiếp so với cùng kỳ đã hỗ trợ giá Robusta đi lên.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đang đưa đến hai luồng tác động trái chiều. Một mặt, lượng cà phê đang lưu trữ tại các cảng của Sở này tiếp tục giảm thêm 7.600 bao loại 60kg khi kết phiên hôm qua, về mức 442.553 bao. Đây là mức tồn kho Arabica thấp nhất trong hơn 10 tháng. Điều này đưa đến lo ngại về khả năng đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường.
Trong khi đó, đơn vị này cũng nhận thêm các đơn hàng bổ sung từ Brazil. Tính đến hết ngày 11/9, đã có 18.520 bao Arabica chờ phân loại để đẩy vào các kho dự trữ đạt chuẩn. Điều này phần nào đưa đến kỳ vọng sẽ khiến số liệu tồn kho sẽ tích cực hơn, đặc biệt khi nguồn cung đang sẵn có tại Brazil do vụ thu hoạch mới kết thúc.
Xuất khẩu cà phê vẫn có thể được đẩy mạnh tại Brazil với lượng nguồn hàng đang sẵn có tại quốc gia này. Sản lượng Arabica niên vụ 2023/24 tại Brazil được cả Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) dự đoán tăng mạnh so với niên vụ trước khi thời tiết đã bình thường trở lại. Kết hợp cùng hoạt động thu hoạch diễn ra thuận lợi trước đó, cho thấy vẫn còn dư lượng lớn để quốc gia này xuất khẩu.
Giá kim loại quý có thể giằng co đi ngang trong phiên hôm nay
Thị trường kim loại quý chịu nhiều sức ép trong phiên sáng do đồng USD phục hồi làm tăng chi phí nắm giữ so với các đồng tiền thương mại khác.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Anh vừa công bố chiều nay cho thấy, số người lao động có việc làm trong giai đoạn 3 tháng tính đến tháng 7 giảm 207.000 so với giai đoạn trước, yếu hơn mức dự báo giảm 185.000 và mức giảm 66.000 trong 3 tháng tính đến tháng 6/2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh đã tăng 4,3% trong giai đoạn từ tháng 5/2023 đến tháng 7/2023, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022, phù hợp với dự báo, nhưng cao hơn so với mức tăng 4,2% trong giai đoạn trước.
Loạt dữ liệu trên cho thấy thị trường lao động Anh vẫn đang khá yếu, gây áp lực lên đồng bảng Anh, hỗ trợ đồng USD phục hồi và khiến giá kim loại quý gặp áp lực.
Thị trường vẫn đang hướng tâm điểm chú ý đến các dữ liệu lạm phát của Mỹ, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI). Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, thể hiện qua hoạt động phi sản xuất mở rộng tháng thứ 8 liên tiếp và số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm tuần thứ 4 liên tiếp. Thêm vào đó, việc giá dầu neo ở mức cao trong thời gian gần đây có thể gia tăng rủi ro áp lực lạm phát cao, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài, đè nặng lên giá kim loại quý.
Giá dầu diễn biến đi ngang trong thời điểm tâm lý thị trường vẫn thận trọng
Giá dầu khá nhạy cảm với các thông tin về nguồn cung và nhu cầu, trong khi thị trường gần như đã phản ứng xong với các thông tin liên quan đến vấn đề cắt giảm sản lượng của Nga và Saudi Arabia.
Trong hôm nay, sẽ có 2 báo cáo thị trường dầu quan trọng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư góc nhìn cung cầu trung hạn.
Nhiều khả năng báo cáo của OPEC sẽ cho thấy Saudi Arabia tiếp tục tuân thủ cắt giảm sản lượng. Nên thị trường sẽ quan tâm liệu sản lượng từ các quốc gia khác như Iran, Venezuela có bù đắp 1 phần thâm hụt hay không. Và quan trọng hơn là nhu cầu được dự báo thế nào trong cuối năm so với báo cáo trước.
Cùng thời điểm, hiện tại thị trường đang thận trọng chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố vào thứ Tư tuần này, thị trường sẽ rất quan tâm đến diễn biến hiện tại của lạm phát trong tháng vừa qua khi giá năng lượng tăng cao.
Đây có thể là manh mối để FED đi đến quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại. Có nhiều thông tin cho thấy FED có thể sẽ không nâng lãi suất trong tháng 9, nhưng vẫn để ngỏ khả năng còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm.
Châu Âu và Nga đang trong thời điểm bảo trì các nhà máy lọc dầu, với mong muốn đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Theo công ty tư vấn Wood Mackenzia, công suất của các nhà máy lọc dầu ngoại tuyến ở châu Âu được đạt khoảng 800,000 thùng/ngày, giảm 40 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, khi giai đoạn bảo trì diễn ra thì tốc độ gia tăng của sản lượng lọc dầu sẽ giảm và có thể dẫn đến gián đoạn cục bộ về nguồn xăng dầu, điều này trong ngắn hạn có thể khiến áp lực gia tăng trở lại. Tuy nhiên, khi các nhà máy quay trở lại hoạt động lọc dầu thì sản lượng sẽ được cải thiện và bổ sung nhanh chóng vào nguồn xăng dầu hiện tại.
Cũng là mối quan tâm đối với thị trường dầu mỏ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ công bố quyết định lãi suất vào thứ Năm. Ủy ban Châu Âu hôm thứ Hai dự báo khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng chậm hơn dự kiến trước đó vào năm 2023 và 2024.
Đánh giá chung, thị trường đang tương đối thận trọng với các thông tin hiện tại, đặc biệt là số liệu lạm phát sắp được công bố sẽ có thể ảnh hưởng nhiều đến các quyết định chính sách tiền tệ và làm thay đổi chi phí đối với các quốc gia nhập khẩu dầu.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)