Xuất khẩu từ Ukraine đã giảm đáng kể sau Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen và các số liệu được công bố gần đây đã chứng minh điều đó. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ukraine cho thấy, từ đầu niên vụ 2023/24 đến ngày 3/10, nước này mới chỉ xuất khẩu được 5,82 triệu tấn ngũ cốc, giảm mạnh so với mức 8,99 triệu tấn trong cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu giảm mạnh từ Ukraine không phải là yếu tố quá bất ngờ và thị trường vẫn kỳ vọng rằng tình hình sẽ có nhiều sự cải thiện trong thời gian tới. Sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen, Ukraine đã thiết lập một “hành lang nhân đạo” tạm thời cho các tàu vận tải, với mục đích phá vỡ lệnh phong tỏa của Moscow. Tình hình xuất khẩu theo hành lang này bước đầu đã ghi nhận những thành công nhất định khi nhiều tàu vận tải đã hoàn thành việc xuất khẩu ngũ cốc. Hải quân Ukraine cho biết, dự kiến có thêm 12 tàu mới đang sẵn sàng di chuyển qua “hành lang nhân đạo” để tới Ukraine, trong khi 10 tàu khác chuẩn bị khởi hành từ các cảng biển của nước này. Mặc dù chưa thể so sánh với giai đoạn trước, tuy nhiên, hoạt động vận chuyển tại biển Đen được nối lại ở mức độ nào đó cũng đang hạn chế sự thiếu hụt nguồn cung.
Đối với báo cáo Export Sales tối nay, chúng tôi kỳ vọng ảnh hưởng sẽ nghiêng về hướng "bullish" đến giá. Thị trường hiện đang kỳ vọng doanh số bán ngô niên vụ 2023/24 sẽ nằm trong khoảng 1,2 – 2,0 triệu tấn trong khi niên vụ 24/25 ở mức 600.000 đến 750.000 tấn. Với việc Mexico đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu ngô Mỹ trong những tuần gần đây, chúng tôi cho rằng bán hàng niên vụ hiện tại nhiều khả năng sẽ dễ dàng đạt tới 2 triệu tấn. Điều này có thể giúp lũy kế bán ngô từ đầu niên vụ 2023/24 vượt lên trên cùng kỳ niên vụ trước, mang đến triển vọng xuất khẩu tích cực.
Giá Arabica có thể tiếp tục giảm để kiểm tra lại mức chặn 145 cents/pound
Kết thúc phiên 4/10, giá hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu dưới áp lực nguồn cung lớn từ Brazil. Cụ thể, giá Arabica giảm 1,61% và giá Robusta giảm 1,24% so với tham chiếu. Chính phủ Brazil cho biết xuất khẩu cà phê dạng hạt trong tháng 9 tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, mưa tại vùng trồng cà phê chính của Brazil giúp giảm bớt lo ngại mùa vụ kém.
Tình hình nguồn cung cà phê trên toàn cầu đang tập trung vào sản lượng và xuất khẩu của Brazil. Quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới mới kết thúc quá trình thu hoạch cà phê cho năm 2023 với dự đoán sản lượng tăng 6,8% so với năm 2022, dữ liệu từ Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB). Đây cũng là mức sản lượng cao thứ 3 trong 10 năm gần đây.
Sản lượng lớn sẽ là 1 trong những tiền đề quan trọng để nông dân Brazil có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh tỷ giá USD/Brazil Real đang ở mức cao nhất trong 6 tháng, thúc đẩy nhu cầu bán cà phê nhiều hơn do có thể thu về nhiều nội tệ.
Trong khi đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm nhẹ trong phiên 4/10 về mức 443.042 bao loại 60kg và có 8.365 bao đang chờ phân loại bổ sung từ Brazil. Việc tồn kho luôn tục được bổ sung từ Brazil cũng là tín hiệu tích cực về nguồn cung cà phê tại quốc gia này và là yếu tố giúp hạn chế đà giảm của tồn kho cũng như gây sức ép lên giá.
Giá đồng có thể giằng co do thông tin cơ bản trái chiều
Do thiếu vắng thông tin cơ bản từ phía Trung Quốc, nhà tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, do nước này vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, giá đồng đang bị chi phối nhiều hơn bởi yếu tố vĩ mô. Dữ liệu được ADP công bố hôm qua đã chỉ ra thị trường lao động khu vực tư nhân của Mỹ hạ nhiệt đáng kể trong tháng 9, với số việc làm đạt mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Thị trường lao động suy yếu sẽ làm giảm áp lực lạm phát, đồng thời, làm giảm bớt khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Do đó, đồng USD giảm trở lại và giúp giá đồng được hưởng lợi trong phiên sáng nay.
Hơn nữa, tối nay Bộ Lao động Mỹ cũng sẽ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 29/9. Với những cuộc đình công liên tiếp diễn ra tại Mỹ, có khả năng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng nhẹ trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động Mỹ dần hạ nhiệt. Giới chuyên gia dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp sẽ đạt 210.000 trong tuần trước, cao hơn 6.000 so với tuần trước đó.
Kể từ đầu năm nay, liên tục có những cuộc đình công diễn ra tại Mỹ, trên đủ mọi lĩnh vực - ngành nghề, bao gồm truyền thông, ô tô, bán lẻ, tiêu dùng, y tế, hàng không… Trong đó, đáng chú ý nhất là cuộc đình công của hội biên kịch diễn viên ở Hollywood bắt đầu từ hồi tháng 4, cuộc đình công của liên đoàn công nhân sản xuất ô tô United Auto Workers và gần đây nhất là cuộc đình công với gần 80.000 nhân viên y tế bắt đầu từ cuối tháng 9. Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, gần 309.700 công nhân đã tham gia vào các vụ đình công trong suốt tháng 8 năm nay, khiến năm 2023 trở thành năm có nhiều cuộc đình công nhất kể từ năm 2019.
Do vậy, nếu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần trước tăng đúng như dự báo, kết hơp với dữ liệu của ADP, cho thấy thị trường lao động tại Mỹ đang dần hạ nhiệt. Đồng USD có thể tiếp tục suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng.
Bên cạnh đó, mới đây, ngân hàng Citigroup đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5% trong năm nay, tăng từ mức 4,7% trong lần dự báo trước, do họ tin rằng Trung Quốc đang dần vượt qua đáy chu kỳ kinh tế. Citigroup cho rằng doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp có thể cải thiện, đồng thời cho biết thêm rằng sự suy giảm xuất khẩu có thể thu hẹp, sau khi hoạt động sản xuất mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng. Điều này giúp củng cố tâm lý của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế sáng cửa hơn của Trung Quốc. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng cũng được hưởng lợi.
Giá dầu có thể tiếp tục xu hướng giảm sau khi đã xác nhận phá vỡ 88 USD/thùng
Trước những lo ngại nhu cầu giảm, Saudi Arabia và Nga đã quyết định giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng hiện tại, điều này đã khiến giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần sau khi phá vỡ mức hỗ trợ 88 USD/thùng.
Về nguồn cung, các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) đã giữ nguyên mức cắt giảm 1,3 triệu thùng/ngày cho đến hết năm nay. Thông tin này cho thấy nguồn cung đã được duy trì ổn định và không có thêm những thay đổi mang tính bất ngờ. Do đó thị trường đã có những phản ứng đóng trạng thái mua trong tháng trước đó.
Có thể được lý giải rằng động lực để giá dầu tăng trong những tháng vừa qua là việc cắt giảm sản lượng khiến lo ngại gián đoạn nguồn cung lên cao hơn. Trong khi đó thời điểm hiện tại khi bước vào mùa đông và lo ngại nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại sẽ khiến nhu cầu dầu chững lại. Việc cắt giảm hiện tại có thể sẽ không còn hiệu quả khi nhu cầu thế giới đang giảm.
Về nhu cầu, Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng mạnh 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/9, cao hơn nhiều so với mức dự đoán tăng 200.000 thùng theo khảo sát từ Reuters.
Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc cũng đang tăng lên nhờ sự phục hồi nhanh chóng trong các lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều dầu như vận tải. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết sự sụt giảm có thể sắp xảy ra.
Goldman nhận xét: “Nhu cầu dầu của Trung Quốc được hỗ trợ bởi sự di chuyển nội địa kỷ lục. Điều này được thể hiện thông qua tình trạng tắc nghẽn kéo dài và dữ liệu chuyến bay nội địa. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ giảm đáng kể trong năm tới”.
Hiện tại, tình hình lãi suất vẫn ở mức cao và do đó trong dài hạn áp lực lãi suất sẽ vẫn là nguyên nhân khiến các lo ngại chi phí trong sản xuất và tiêu dùng tăng lên, làm chậm lại nhu cầu hàng hóa và có thể khiến các lo ngại lạm phát thay đổi sang giảm phát trong thời gian nhanh hơn khi người dân hạn chế chi tiêu.
Tâm điểm thị trường bây giờ hướng tới báo cáo bảng lương phi nông nghiệp quan trọng sẽ được công bố vào thứ Sáu (6/10) để hiểu rõ hơn về lộ trình tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Số liệu này có thể sẽ tác động làm thay đổi quan điểm của thị trường về chính sách tiền tệ của Fed, dù trước đó đã có dự đoán về khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)